07/01/2011 - 20:33

Bà Lâm Nhật Phượng, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ:

Giúp người nhiễm HIV được đối xử bình đẳng, tiếp cận các dịch vụ y tế

 

Mỗi năm, ở TP Cần Thơ số người nhiễm HIV được phát hiện mới vẫn đang ở mức cao. Dù HIV xuất hiện từ lâu, mọi người cũng đã được cung cấp khá nhiều thông tin về HIV/AIDS, nhưng không phải người dân nào cũng hiểu đúng về HIV/AIDS nên còn một số người vẫn kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV/AIDS. Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ ra đời nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi những suy nghĩ nêu trên. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bà Lâm Nhật Phượng, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết:

Tại TP Cần Thơ, đến cuối năm 2010 có hơn 4.200 người nhiễm HIV của thành phố còn sống, chưa kể những người nhiễm HIV từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống. Trong những năm gần đây, một số người nhiễm HIV đã có sự đóng góp trực tiếp vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tham gia hoạt động đồng đẳng viên, nhóm tự lực, hỗ trợ người cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, một số người còn sống trầm lặng, khép kín, ít tham gia các hoạt động cộng đồng và chưa mạnh dạn công khai căn bệnh của mình vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Cũng có một số người bệnh tự kỳ thị, không hòa nhập cuộc sống cộng đồng, mặc cảm nên chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, việc điều trị không còn hiệu quả, cuộc sống lại gặp nhiều khó khăn thêm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử là do những năm trước đây thường gắn việc nhiễm HIV/AIDS với tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, lối sống đạo đức. Hiện nay, việc kỳ thị và phân biệt đối xử đã giảm rõ rệt, giúp người nhiễm HIV/AIDS có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Hơn nữa việc điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị ARV đã cải thiện sức khỏe người nhiễm HIV/AIDS, họ sống lâu hơn, tự kiếm việc làm và làm việc như những người khác. Họ vẫn đóng góp cho sự phát triển của chính gia đình họ và cho xã hội. Tuy vậy, việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn đâu đó ở một số nơi, một số cá nhân.

Cuối tháng 12-2010, Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố và các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV.

* Xin bà cho biết, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội sẽ có những hoạt động cụ thể gì giúp đỡ người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV?

- Ngoài công tác truyền thông, Hội tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, chương trình liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, Hội vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, vật chất trợ giúp cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, trong năm 2011, Hội cùng với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ sẽ cấp phát lương thực, thực phẩm cho người nhiễm HIV suy dinh dưỡng; cho người nhiễm HIV/AIDS vay vốn; chăm sóc, hỗ trợ thuốc men cho bệnh nhân AIDS cuối đời không có người thân chăm sóc; phát hiện những người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn để đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện cấp sổ hộ nghèo, sổ bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Hội cùng với nhà mở Hy Vọng lập đề án xin thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội Bác Ái Hy Vọng để tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng những bệnh nhân AIDS vô gia cư, gia đình chối bỏ. Nếu chẳng may họ không qua khỏi, chúng tôi cũng lo tổ chức an táng cho họ.

* Nhiều người sẵn sàng giúp người nghèo, người già, trẻ mồ côi, người bệnh tật nhưng không giúp bệnh nhân HIV/AIDS vì còn kỳ thị? Vậy, khi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho những đối tượng này, bà nghĩ sẽ gặp khó khăn gì không?

- Người nhiễm HIV cũng là con người. Mà đã là con người thì không tránh khỏi những lúc có sai lầm. Đó là chưa kể, ngoài những người nhiễm HIV vì tiêm chích ma túy, mại dâm, còn nhiều người vì những tai nạn trong cuộc sống mà bị nhiễm HIV. Nếu xã hội chung tay giúp đỡ, họ sẽ có thuốc uống, sống khỏe mạnh, có việc làm, thì họ cũng sẽ là những nhân tố tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Chúng tôi mong muốn các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các nhà hảo tâm, mạng lưới người nhiễm HIV, sẽ ủng hộ và liên kết với các hoạt động của Hội, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS; giúp những người nhiễm HIV được đối xử bình đẳng, tiếp cận với các dịch vụ y tế.

* Xin cảm ơn bà!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết