22/05/2020 - 05:35

Giữ tim và huyết áp khỏe để não khỏe

Theo phát hiện vừa công bố trên Tạp chí Đại học Tim mạch Mỹ, việc bảo vệ sức khỏe tim có thể là yếu tố then chốt giúp duy trì và cải thiện khả năng nhận thức khi lớn tuổi.

Các chuyên gia tại Đại học Y Thiên Tân (Trung Quốc) đã theo dõi gần 1.600 người không mất trí nhớ có tuổi trung bình là 79,5 trong 21 năm, bằng cách so sánh điểm số đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim Framingham (FGCRS) với tình trạng suy giảm chức năng nhận thức của họ. Các đối tượng được đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim ở đầu nghiên cứu và kiểm tra khả năng ghi nhớ và tư duy hằng năm.

Kết quả cho thấy nhóm có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất cũng có tốc độ suy giảm nhanh hơn đối với trí nhớ sự kiện, trí nhớ ngắn hạn và tốc độ nhận thức. Khi phân tích thêm ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ, các chuyên gia phát hiện những người có điểm số FGCRS cao hơn cũng có tổng thể tích não nhỏ hơn, với kích thước hồi hải mã và chất xám ở vỏ não suy giảm - đều là chỉ dấu điển hình của chứng thoái hóa thần kinh liên quan đến Alzheimer.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia đến từ Ireland, Scotland và Canada cho biết chữa trị chứng cao huyết áp giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm nhận thức khi về già.

Sau khi phân tích 12 cuộc nghiên cứu với sự tham gia của hơn 92 nghìn người có tuổi trung bình 69 và chỉ số huyết áp trung bình là 154/83,3 mmHg, các chuyên gia phát hiện dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định giúp giảm 7% nguy cơ bị mất trí nhớ hoặc 7,5% nguy cơ suy giảm nhận thức - trong ít nhất 4 năm. Đặc biệt, có 8 nghiên cứu cho thấy kiểm soát tốt huyết áp giúp giảm hơn 20% khả năng bị suy giảm nhận thức.

Được biết, chứng mất trí ảnh hưởng 50 triệu người trên toàn cầu vào năm 2017 và Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán con số này sẽ tăng lên 82 triệu vào năm 2030. Tuy chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, nhưng việc nhận diện các yếu tố nguy cơ có thể giúp trì hoãn hoặc phòng tránh bệnh này.

HƯƠNG THẢO (Theo Medical Xpress, UPI)

Chia sẻ bài viết