25/07/2021 - 08:11

Giới chức Mỹ dồn dập thăm châu Á 

Trong những ngày cuối của tháng 7 này, giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ nối tiếp nhau thăm hàng loạt các quốc gia châu Á, thể hiện sự cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và Trung Quốc không ngừng những hoạt động đáng quan ngại.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori trong cuộc gặp ở Tokyo hôm 20-7. Ảnh: AFP

Chuyến đi của bà Sherman

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman, đã bắt đầu thăm Nhật Bản từ ngày 18-7, sau đó đến Hàn Quốc từ ngày 21 đến 23-7, rồi tiếp tục sang Mông Cổ trước khi dừng chân tại Trung Quốc trong hai ngày 25 và 26-7. Ðáng chú ý, bà Sherman là quan chức cấp cao nhất dưới thời chính quyền Biden thăm Trung Quốc. Trước đó là chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 của Ðặc phái viên Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry.

Nhận định về chuyến công du trên của bà Sherman, ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Ðại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), nhận định: “Chuyến thăm của bà Sherman tới Hàn Quốc cũng như Nhật Bản có khả năng tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ liên minh với hai quốc gia trong cuộc cạnh tranh trước một Trung Quốc đang trỗi dậy”. Ông Kim Yeoul-soo, Trưởng phòng Chiến lược an ninh thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Hàn Quốc (KIMA) thì đánh giá: “Chuyến thăm của bà Sherman có thể liên quan đến việc hợp tác về các công nghệ mới nổi và việc Hàn Quốc tham gia Bộ tứ (Quad)”, hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương”.

Theo các chuyên gia trên, mặc dù chương trình nghị sự của bà Sherman tập trung vào vấn đề Trung Quốc song vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng đã được đưa vào nội dung các cuộc thảo luận.

Tại Trung Quốc, bà Sherman sẽ gặp Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị và các quan chức khác ở thành phố Thiên Tân, cách thủ đô Bắc Kinh 120 km về phía bắc-tây bắc. Triều Tiên, biến đổi khí hậu và Iran là những vấn đề mà phía Mỹ muốn trao đổi với Trung Quốc.

Trả lời báo chí về chuyến công du Trung quốc của bà Sherman, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: “Thứ trưởng dự định trong chuyến đi này sẽ thể hiện và chứng minh cho Trung Quốc thấy cạnh tranh có trách nhiệm và lành mạnh là như thế nào”. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho biết các cuộc đối thoại của bà Sherman tại Trung Quốc sẽ là “phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm có những trao đổi thực chất…để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ, và để quản lý quan hệ một cách có trách nhiệm”. Thông báo nhấn mạnh bà Sherman sẽ “thảo luận các lĩnh vực mà chúng tôi có quan ngại nghiêm trọng về những hành động của Trung Quốc, cũng như những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên gặp nhau”. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm này sẽ mở ra khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden, có thể bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ý vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, chuyến đi Trung Quốc của bà Sherman đang gặp thách thức khi Bắc Kinh ngày 24-7 thông báo áp đặt các lệnh cấm vận đối với 7 cá nhân Mỹ, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, nhằm đáp trả việc Washington cấm vận 7 quan chức Trung Quốc tại Hong Kong hôm 16-7. Ðây là lần đầu tiên Trung Quốc vận dụng Luật chống cấm vận nước ngoài được thông qua hồi tháng 6. Ðây cũng là lần thứ 2 trong năm nay Trung Quốc trừng phạt nhằm vào các quan chức từng phục vụ dưới chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi đầu năm nay,  Bắc Kinh đã cấm vận cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và 27 quan chức cấp cao khác dưới chính quyền Trump.

Phản ứng trước động thái mới của Bắc Kinh, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố lệnh trừng phạt này “vô căn cứ” và Mỹ “không nao núng”.

Tạo sức ép lên Trung Quốc

Hồi tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman cũng đã có chuyến thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Ðây là chuyến thăm Ðông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi đầu năm nay và diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường cam kết ngoại giao với khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến đi này của bà Sherman “tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN” và giải quyết hàng loạt vấn đề song phương, cũng như khu vực”. Việc lựa chọn Indonesia, Campuchia và Thái Lan là những điểm đến đầu tiên trong chính sách  hướng tới Ðông Nam Á là một bước đi mang nhiều tính toán của Mỹ. Bởi nếu như Thái Lan là đồng minh hiệp ước của Mỹ, thì Indonesia đóng vai trò trung tâm tại khu vực Ðông Nam Á. Trong khi đó, Campuchia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới và do đó sẽ trở thành một phần quan trọng trong bất kỳ chính sách gia tăng can dự nào của Mỹ tại Ðông Nam Á.

Tiếp nối chuyến công du Ðông Nam Á của bà Sherman, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang trên đường đến thăm Philippines, Singapore và Việt Nam nhằm củng cố và tăng cường vai trò của Washington trong khu vực.

Renato de Castro, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Ðại học De La Salle (Philippines), nhận xét: “Chuyến thăm Ðông Nam Á của ông Austin là nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chứng minh khu vực này có tầm quan trọng lớn đối với Mỹ”.  Ðông Nam Á đã nổi lên như “một đấu trường” quan trọng khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng gay gắt trên mọi lĩnh vực từ công nghệ, thương mại đến địa chính trị. Ông Aaron Jed Rabena, thuộc tổ chức cố vấn Con đường Phát triển của châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila nhận định: “Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và quan hệ hợp tác về an ninh”. Chuyên gia Satu Limaye, Giám đốc Trung tâm Ðông Tây ở Washington DC, đánh giá chuyến thăm Ðông Nam Á của Bộ trưởng Austin là động thái kịp thời và đáng được hoan nghênh. “Ðây là phần trong sự chuyển hướng của chính quyền Biden sang Ðông Nam Á”, báo Straits Times dẫn lời ông Satu Limaye cho biết.

“Các quan hệ đối tác và liên minh mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðó là lý do tôi sẽ đến thăm Philippines, Singapore và Việt Nam “, ông Austin viết trên Twitter hôm 20-7. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cũng khẳng định “chuyến thăm của ông Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden-Harris đặt lên Ðông Nam Á như phần cốt lõi của cấu trúc Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”. Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh tại một diễn đàn trực tuyến tại châu Á hôm 6-7: “Ðể có chiến lược châu Á hiệu quả, để có cách tiếp cận Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả, bạn phải làm nhiều hơn nữa tại Ðông Nam Á”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đi thăm Ấn Độ trong hai ngày 27 và 28-7. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới Ấn Độ trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. “Chương trình nghị sự của ông Blinken sẽ là cam kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chia sẻ các lợi ích an ninh và dân chủ, giải quyết khủng hoảng khí hậu cũng như đại dịch virus Corona”, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.

 Trong khi đó, Hãng tin Reuters cho rằng Mỹ muốn tìm kiếm ở Ấn Độ như là đối tác quan trọng nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực của Washington trong việc đương đầu với các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại châu Á và trên thế giới. Ông Blinken có thể xúc tiến kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm này hồi tháng 3. “Bộ tứ kim cương” được kỳ vọng sẽ ngăn chặn các mối đe dọa an ninh và tầm ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh.

Ấn Độ cũng là quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu của thế giới nhưng đã ngừng xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước. Vì thế, Washington muốn tăng cường hỗ trợ New Delhi đẩy mạnh sản xuất vaccine COVID-19 nhằm tăng nguồn cung cho các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang cạnh tranh ngoại giao vaccine với Trung Quốc. “Ấn Độ là quốc gia quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu với kênh truyền hình MSNBC hôm 23-7.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết