HẠNH NGUYÊN
Hãng tin Reuters dẫn số liệu của nghiệp đoàn bác sĩ Sudan sáng 17-4 cho biết các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự trong 2 ngày qua đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.
Khói bốc lên khi giao tranh tiếp diễn tại thủ đô Khartoum ngày 16-4. Ảnh: Getty Images
Giao tranh nổ ra từ ngày 15-4 giữa các đơn vị quân đội trung thành với Tướng Abdel Fattah al-Burhan, Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp của Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự được lãnh đạo bởi Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp. Theo tờ Guardian, giao tranh dữ dội diễn ra xung quanh sân bay quốc tế Khartoum và trụ sở quân đội. Các nhân chứng cho biết quân đội cũng đã thực hiện các cuộc không kích vào các căn cứ và doanh trại của RSF, bao gồm ở thành phố Omdurman, các quận Kafouri và Sharg El-Nil của thành phố Bahri lân cận, phá hủy phần lớn các cơ sở này.
Ðây là lần đầu tiên quân đội Sudan và RSF xung đột kể từ khi họ cùng kết hợp để lật đổ Tổng thống Omar Hassan al-Bashir vào năm 2019. Những căng thẳng hiện tại giữa hai bên bắt nguồn từ bất đồng về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội và đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.
Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức
Trước tình hình trên, nhiều quốc gia láng giềng và tổ chức trong khu vực đã tăng cường nỗ lực chấm dứt bạo lực.
Lãnh đạo các nước Ðông Phi ngày 16-4 kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc giao tranh đang diễn ra ở Sudan. Văn phòng Tổng thống Kenya cho biết Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) đã tổ chức một cuộc họp khẩn bằng hình thức trực tuyến, kêu gọi chấm dứt ngay hành động thù địch giữa các bên. Tham dự phiên họp khẩn có Tổng thống Kenya, Tổng thống Nam Sudan, Tổng thống Uganda, Tổng thống Djibouti và Tổng thống Somalia. Các nhà lãnh đạo đã quyết định cử Tổng thống Nam Sudan, Tổng thống Kenya và Tổng thống Djibouti sớm nhất có thể tiến hành hòa giải các bên xung đột ở Sudan.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự và ưu tiên đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tránh đổ máu và bảo vệ cuộc sống của thường dân Sudan cũng như các công dân Ai Cập đang sinh sống và làm việc tại quốc gia Ðông Bắc Phi này. Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định rằng một yêu cầu “bắt buộc” đối với cuộc khủng hoảng Sudan là không để bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài “làm trầm trọng thêm xung đột hoặc làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này”. Cairo hiện đang tổ chức các cuộc tham vấn với các bên liên quan cả trong và ngoài Sudan để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Liên đoàn Arab (AL) đã tổ chức một cuộc họp khẩn tại Ai Cập để thảo luận về các cuộc đụng độ quân sự đang diễn ra ở Sudan. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Hội đồng AL nhấn mạnh sự cần thiết của việc “ngừng ngay lập tức tất cả các cuộc đụng độ vũ trang để bảo vệ dân thường và toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền của Sudan”. Ðại diện các nước Arab còn kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan quay trở lại con đường hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời cảnh báo nguy cơ leo thang bạo lực.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ), Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi cũng đã kêu gọi sớm chấm dứt các hành động thù địch có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực. Riêng HÐBA LHQ có kế hoạch họp kín trong ngày 17-4 để thảo luận tình hình Sudan.
WFP tạm dừng mọi hoạt động
Tình hình căng thẳng đã khiến Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ ngày 16-4 thông báo tạm dừng mọi hoạt động ở Sudan, sau khi 3 nhân viên tại đây thiệt mạng.
Cũng trong ngày 16-4, Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar ngừng các chuyến bay tới Sudan. Trong khi đó, chính quyền Algeria khuyến cáo công dân nước này đang sinh sống tại Sudan thận trọng, sau khi các cuộc đụng độ vũ trang bùng phát ở thủ đô Khartoum và các khu vực lân cận.