08/02/2023 - 22:32

Giảm ô nhiễm giúp chống “siêu vi khuẩn” 

MAI QUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Cùng với biến đổi khí hậu, báo cáo từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết kháng thuốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe toàn cầu.

Cần có hành động khẩn cấp để làm sạch môi trường, đặc biệt là các tuyến đường thủy để giảm mối đe dọa kháng thuốc. Ảnh: AFP

Báo cáo có tiêu đề “Chuẩn bị cho siêu vi khuẩn”, được UNEP công bố trong cuộc họp lần 6 của Nhóm các nhà lãnh đạo toàn cầu về kháng kháng sinh (AMR) diễn ra ở Barbados ngày 7-2. Trong năm 2019, khoảng 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới liên quan AMR. Với tốc độ trên, các nhà nghiên cứu dự kiến vào năm 2050, sẽ có 10 triệu người tử vong mỗi năm nếu không có hành động ngăn AMR lây lan.

Các nhà nghiên cứu Đại học RMIT (Úc) đã phát triển loại kháng sinh mới, có thể dễ dàng điều chỉnh để chịu đựng các chủng siêu khuẩn. Có tên Priscilicidin, kháng sinh mới này có nguồn gốc từ kháng sinh tự nhiên Indolicidin được tìm thấy trong hệ miễn dịch của bò. Theo Tiến sĩ Priscila Cardoso, Priscilicidin hoạt động bằng cách làm xáo trộn màng của vi khuẩn, cuối cùng giết chết tế bào. Điều này khiến chúng khó tiến hóa và giảm nguy cơ chống lại việc điều trị. Trong thí nghiệm, Priscilicidin hoạt tính cao có thể tiêu diệt các chủng vi khuẩn kháng thuốc như tụ cầu vàng, vi khuẩn E. coli và nấm candida.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, AMR là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu, có khả năng gây hại đáng kể cho sức khỏe con người, an ninh lương thực và môi trường. Vốn đây là tình trạng tự nhiên, khi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus và nấm theo thời gian phát triển khả năng đánh bại các loại thuốc được thiết kế để tiêu diệt chúng. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết quá trình này đang bị đẩy nhanh do việc lạm dụng chất kháng khuẩn trong các sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu cũng như trong ngành dược nhằm tiêu diệt và ngăn chặn lây lan tác nhân gây bệnh giữa người, động vật và cây trồng.

Không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng, báo cáo của UNEP nói rõ AMR còn có mối quan hệ với ô nhiễm môi trường do hoạt động của con người thông qua các mô hình sản xuất, tiêu dùng không bền vững. Trong đó, ngành chăn nuôi được xác định là một trong những nguồn chính của các chủng vi khuẩn phát triển khả năng kháng tất cả các dạng kháng sinh. Ðiều kiện vệ sinh kém, nguồn nước bị ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất thuốc và cơ sở chăm sóc sức khỏe; cùng với cơ chế kiểm soát nước thải đô thị lỏng lẻo ở nhiêu quốc gia cũng góp phần làm gia tăng “siêu vi khuẩn” trên toàn cầu, tạo ra mối đe dọa đối với một trong những trụ cột chính của y học hiện đại.

Giám đốc Ðiều hành UNEP Inger Andersen nói thêm, AMR liên quan chặt chẽ đến 2 yếu tố còn lại trong “bộ 3 cuộc khủng hoảng hành tinh” là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Trong đó, khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng kháng kháng sinh theo nhiều cách, bao gồm nhiệt độ tăng đẩy nhanh tốc độ phát triển của vi khuẩn cũng như sự lan truyền các gien kháng kháng sinh giữa các vi sinh vật.

Một trong những tác động của tình trạng AMR là làm cho bệnh khó điều trị hơn, hoặc thậm chí là không thể. Kháng thuốc còn đe dọa phá hủy hệ thống an ninh lương thực và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Theo báo cáo, sự gia tăng của “siêu vi khuẩn” dự kiến làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ít nhất 3,4 ngàn tỉ USD/năm vào cuối thập kỷ này, đẩy khoảng 24 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Mức độ thiệt hại từ cuộc khủng hoảng AMR sẽ được cảm nhận giữa các ngành và phần lớn ảnh hưởng của nó đang tác động một cách không tương xứng đến các quốc gia ở Nam bán cầu.

Chung tay hành động

Biến đổi khí hậu lẫn tình trạng kháng kháng sinh sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc có thể được cải thiện đều nhờ hành động của con người. Bước quan trọng là hạn chế lạm dụng thuốc thông qua việc thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau giữa sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường.

Ðiều này đòi hỏi phản ứng đa ngành dựa trên các sáng kiến từ cấp chính phủ đến từng bộ, ngành liên quan; tập trung giải quyết các nguồn ô nhiễm chính từ việc sử dụng thuốc chống vi trùng trong các trang trại, xả nước thải từ các công ty dược phẩm và tăng cường các biện pháp vệ sinh an toàn hơn trong cộng đồng. Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn quốc tế về quản lý nước tổng hợp, giám sát sự phát triển của các siêu khuẩn mới, tìm kiếm mô hình đầu tư và tài trợ bền vững để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu.

Chia sẻ bài viết