05/12/2015 - 16:53

Giảm cân giúp đảo ngược tiến triển của bệnh tiểu đường típ 2

* Vì sao uống cà phê có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường típ 2?

Hàng triệu bệnh nhân tiểu đường típ 2 có thể được chữa khỏi bệnh chỉ nhờ biện pháp đơn giản là giảm cân, theo nghiên cứu mới công bố của Đại học Newcastle (Anh). Tác dụng đảo ngược tiến triển của bệnh từ việc giảm cân hứa hẹn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân về lâu dài.

Ảnh: Indiatimes

Ở những người khỏe mạnh bình thường, tuyến tụy đảm trách nhiệm vụ sản xuất đủ lượng hoóc-môn insulin cần thiết để duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định. Nhưng ở bệnh nhân tiểu đường típ 2, lượng insulin được tạo ra không đầy đủ do tụy hoạt động kém đi. Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh chuyển biến xấu đi theo thời gian và buộc phải uống thuốc hoặc tiêm insulin.

Để tìm hiểu mối liên hệ giữa lượng mỡ tích tụ ở tụy và bệnh tiểu đường, nhóm nghiên cứu đã theo dõi tình trạng sức khỏe của 27 tình nguyện viên béo phì (gồm những người bị bệnh tiểu đường và những người khỏe mạnh) từ 25-65 tuổi trong 2 tháng. Trong suốt thời gian thử nghiệm, 18 người bị tiểu đường típ 2 đã được phẫu thuật thắt dạ dày và áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Kết quả cho thấy nhóm này giảm trung bình gần 14 kg (khoảng 13% cân nặng ban đầu). Đáng chú ý, lượng mỡ tích tụ tại tụy của họ cũng giảm 0,6 gram, cho phép cơ quan này tạo ra lượng insulin bình thường. Trong khi đó, nhóm đối chứng không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào về tỷ lệ mỡ ở tụy – điều chứng tỏ lượng mỡ tích tụ ở tụy là biểu hiện đặc trưng ở những người mắc bệnh tiểu đường típ 2.

"Đối với người mắc bệnh tiểu đường típ 2, việc giảm cân giúp họ loại bỏ lượng mỡ thừa khỏi tụy và cho phép nó phục hồi chức năng như bình thường"- tác giả nghiên cứu, Giáo sư Roy Taylor, nhận xét. Hiện các chuyên gia đang có kế hoạch tiến hành một nghiên cứu có qui mô lớn hơn để xác lập mối liên hệ giữa giảm cân với việc khống chế bệnh tiểu đường típ 2.

* Trong một nghiên cứu khác, công bố trên tạp chí của Hội Hóa học Mỹ, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học Aarhus (Đan Mạch) cho biết 2 hợp chất sẵn có trong cà phê là cafestol và axít caffeic được chứng minh có công dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2.

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đã thử nghiệm tác dụng của nhiều hợp chất có trong cà phê đối với tế bào của chuột. Họ phát hiện chỉ có cafestol và axít caffeic chống lại các triệu chứng tiểu đường trên tế bào. Cụ thể là cafestol làm gia tăng sự hấp thu đường huyết ở tế bào, trong khi cafestol và axít caffeic thì giúp tăng mức độ giải phóng insulin. Hai chất này đều có trong cà phê còn nguyên caffein hoặc đã tách caffein.

Được biết, các nghiên cứu trước đây từng cho thấy uống cà phê giúp giảm nguy cơ tiểu đường típ 2, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra bằng chứng khoa học về mối liên hệ này.

AN NHIÊN
(Theo Telegraph, Daily Mail, Time)

Chia sẻ bài viết