Đúng một năm trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Mohamed El-Baradei trở về nước với sự tung hô tán thưởng của đám đông hàng trăm người ngay khi đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Cairo. Khi đó, ông từng được coi là “nhà thiết kế sự thay đổi” trong số các nhà cải cách Ai Cập. Ngày 27-1, một lần nữa ông El-Baradei trở về nước từ Vienne (Áo), nhưng đón ông tại sân bay là đám đông các nhà báo với nhiều câu hỏi, chứ không phải những người ủng hộ. Báo Times ngày 27-1 đăng bài viết giật tít: “Bất ổn ở Ai Cập: Có giải pháp El-Baradei?”.
|
Ông Mohamed El-Baradei giữa đám đông báo giới. Ảnh: AP |
Sự trở lại của chủ nhân giải Nobel hòa bình năm 2005 diễn ra trong bối cảnh biểu tình ở khắp Ai Cập đã bước sang ngày thứ tư. Trả lời phỏng vấn của báo giới tại sân bay, ông El-Baradei cho biết ông sẽ tham gia biểu tình với người dân và “đây là thời điểm quan trọng của Ai Cập”. Cựu Tổng giám đốc IAEA 68 tuổi này đã yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.
Vấn đề đối với người Ai Cập hiện nay là chính xác ông El-Baradei sắp làm gì? Thực tế, nếu trở lại để “cầm cương” cuộc cách mạng mới nhen nhóm tại Ai Cập, ông El-Baradei có thể đã hơi chậm chân. Vào thời điểm ông El-Baradei về nước hồi năm ngoái, nhiều người xem ông là hy vọng lớn cho Ai Cập tiến tới sự thay đổi dân chủ. Một nhóm các nhà hoạt động và trí thức đã mời ông làm lãnh đạo của một phong trào mới có tên gọi là “Hiệp hội quốc gia vì sự thay đổi” nhằm phát động chiến dịch dân chủ và chống tham nhũng tại Ai Cập. Lúc đó, ông El-Baradei đã tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống nếu chính phủ dỡ bỏ những hạn chế trong hiến pháp về các ứng viên độc lập.
Hãng tin Pháp AFP cho biết Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - phong trào đối lập lớn nhất ở Ai Cập, đã khẳng định sẽ tham gia biểu tình. Đây là động thái cho thấy họ thay đổi quan điểm từ thận trọng sang đứng về phe biểu tình. Bộ Nội vụ Ai Cập cảnh báo sẽ áp dụng các “biện pháp cương quyết” đối với cuộc biểu tình. Một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ chống khủng bố đã được huy động trên đường phố sáng 28-1 tại các vị trí chiến lược ở Thủ đô Cairo, trong đó có Quảng trường Tahrir, nơi từng diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ nhất hồi đầu tuần. Theo AFP, ít nhất 7 người chết và khoảng 100 người bị thương từ khi bùng phát cuộc biểu tình hôm 25-1 đến nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo: “Bạo lực không phải là câu trả lời cho các vấn đề ở Ai Cập”. Ông Obama kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời thúc giục Tổng thống Mubarak tiến hành cải cách chính trị.
|
Hassan Nafaa, nhà khoa học chính trị và là người chỉ trích công khai chính quyền Tổng thống Mubarak, là người đưa ông El-Baradei vào nhóm lãnh đạo phong trào trên. Thế nhưng từ đó đến nay, Nafaa cho rằng không có nhiều kế hoạch cho chiến dịch. Nafaa nói: “Chúng tôi không biết yêu cầu ông El-Baradei làm gì. Và ông ấy không biết chính xác ông sẽ đề nghị gì với chúng tôi”. Ông El-Baradei cũng không có dấu hiệu cụ thể định làm gì hoặc thậm chí nếu ông trở thành một nhà lãnh đạo.
N. MINH (Theo TIME, AFP)