17/06/2008 - 08:50

"Giải cứu" hiệp ước Lisbon !

Những người phản đối Hiệp ước Lisbon vui mừng trước kết quả kiểm phiếu ở Ireland. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực “hồi sức cấp cứu”cho dự thảo Hiệp ước Lisbon vừa bị cử tri Ireland từ chối, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tập trung tìm giải pháp cho vấn đề này trong cuộc họp vào hôm qua (16-6) tại Luxembourg, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) vào ngày 19-6. Cùng lúc này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một trong những “kiến trúc sư” của Hiệp ước Lisbon, tới Thủ đô Praha của CH Czech, và sau đó sẽ đến Ba Lan, Hungary và Slovakia để thúc giục các nước tiếp tục tiến trình phê chuẩn Hiệp ước. Ông Sarkozy nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp ước phải được tiến hành nhằm khẳng định rằng “cái lắc đầu” của cử tri Ireland “không biến thành một cuộc khủng hoảng” thể chế của EU.

Không biết mục tiêu của ông Sarkozy và các nhà lãnh đạo EU có đạt được trong vài ngày tới hay không, nhưng Tổng thống Czech Vaclav Klaus đánh tiếng rằng chính kiến của cử tri Ireland cần được xem như là “dấu chấm hết” cho tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Ngoài ông Klaus, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski vẫn đang “hoài nghi”, không chịu phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Ngay tại quốc gia thành viên quan trọng hàng đầu là Anh cũng xuất hiện những lời kêu gọi hoãn kế hoạch phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Thủ tướng Gordon Brown tuyên bố Hạ viện nước này có thể phê chuẩn Hiệp ước vào ngày 18-6 nhưng người ta lo ngại sự hấp tấp sẽ dẫn tới một kết cục tai hại. Uy tín của ông Brown và Công đảng giảm sút làm người ta nghĩ đến điều đó.

Theo lập luận của các nhà lãnh đạo hậu thuẫn Hiệp ước, tiếng nói của vài triệu cử tri Ireland vốn chiếm chưa đầy 1% dân số EU nên không thể coi là đại diện cho gần 500 triệu công dân EU. Thế nhưng, bất kỳ một hiệp ước nào muốn có hiệu lực thì phải có sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên. Đó là nguyên tắc hoạt động đảm bảo lợi ích hài hòa trong EU.

Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ngày 12-6 tại Ireland, dù bị cảnh báo khả năng thất bại, giới lãnh đạo EU tuyên bố không có “kế hoạch B”, tức tổ chức bỏ phiếu lần hai. Cần nhắc lại là cử tri Ireland từng phản bác Hiệp ước Nice năm 2001, sau đó bỏ phiếu ủng hộ năm 2002. Thủ tướng Brian Cowen thừa nhận Ireland chưa có “giải pháp nhiệm mầu” trong thời gian sớm mà phải “suy nghĩ tìm ra những rắc rối có liên quan nhằm giúp đất nước tiến lên phía trước”. Chủ tịch đảng Dân tộc Sinn Fein, ông Gerry Adams, thì cho rằng đây là “đoạn kết của Hiệp ước Lisbon và tạo cơ sở để đàm phán lại” một hiệp ước mới của EU.

Theo các nhà phân tích, tổ chức trưng cầu dân ý lại vào thời điểm thích hợp sẽ là “thượng sách”với điều kiện tất cả 26 nước thành viên còn lại của EU đều phê chuẩn Hiệp ước (đến nay có 18 quốc gia phê chuẩn). Đây là cách mà các nhà lãnh đạo EU hy vọng sẽ làm cho cử tri Ireland cảm thấy mình bị cô lập trong một EU hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhưng trước mắt, tờ Thế giới nhận định nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU của Pháp trong 6 tháng cuối năm 2008 sẽ bị tê liệt vì cuộc khủng hoảng cải cách thể chế. Về lâu dài, EU sẽ phải tính đến việc thay đổi cơ chế đồng thuận bằng cơ chế đa số. Cơ chế đồng thuận có điểm yếu là thường đẩy các quyết sách của EU vào chỗ bế tắc nếu có “kẻ phá bĩnh”, mà lần này là Ireland.

PHÚC NGUYÊN

(Theo AFP, Reuters, Telegraph, Le Monde)

Chia sẻ bài viết