25/02/2024 - 16:05

Giá trị trường tồn Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 

Ðề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Ðảng ta về văn hóa. Trong 81 năm qua, Ðề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Ðảng ta vận dụng, cụ thể hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TP Cần Thơ có nhiều cách làm hay trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trong ảnh: Học sinh xem nghệ nhân gói bánh tét ăn Tết trong chương trình “Sắc xuân miệt vườn” tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Ðề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời trong lúc Nhật vào Ðông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 đang đi gần tới kết thúc, đất nước ta bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong rất nhiều công việc quan trọng và cần kíp lúc bấy giờ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Cuối tháng 2-1943, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, Ðảng ta ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương và Ðề cương về văn hóa Việt Nam.

Bản Ðề cương nhằm chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng bi quan, bế tắc. Ðề cương nêu rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Ý nghĩa quan trọng của Ðề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”.

Cũng theo Ðề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta thì phải nắm vững “3 nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc này đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới của Ðảng và Nhà nước ta. Từ 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: Từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Ðảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức của Ðảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Ðây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế. Ðứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”. Ðồng thời, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

PV (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết