Liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) tại hầu hết các chi nhánh ngân hàng ở TP Cần Thơ đều được điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Sau đợt thu hút khách hàng gửi tiền ở các kỳ dài hạn, nhiều ngân hàng cũng đã “giữ chân” khách hàng bằng việc gia tăng lãi suất ở các kỳ ngắn hạn.
“CHUYỂN ĐỘNG” KỲ NGẮN HẠN
Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở hầu hết các kỳ hạn gửi. Trong đó, lãi suất cao nhất hiện nay đang được nắm giữ bởi Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank). Theo biểu lãi suất mới của HDBank, mức điều chỉnh tăng mạnh nhất tập trung ở các kỳ hạn gửi trên 12 tháng. Đối với lãi suất tiết kiệm thường và tiết kiệm siêu lãi suất kỳ hạn 36 tháng được điều chỉnh tăng mạnh nhất từ 0,3-0,6%/năm so với trước lên lần lượt ở mức 9,8%/năm và 10,1%/năm. Lãi suất tiết kiệm thường và tiết kiệm siêu lãi suất kỳ hạn 24 tháng cũng đã tăng mạnh 0,2-0,4%/năm lên 9,4%/năm và 9,7%/năm...
 |
Kỳ ngắn hạn VNĐ cũng đang được nhiều ngân hàng gia tăng sức hấp dẫn khách hàng. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Liên Việt - chi nhánh Cần Thơ. |
Tuần trước, lãi suất tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng đã tiếp tục tăng thêm 0,05-0,08% ở các kỳ hạn 1-12 tháng. Riêng các kỳ hạn 15-36 tháng được giữ nguyên với lãi suất dao động ở mức cao từ 8,35-9,8%/năm. Tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), lãi suất kỳ hạn 24 và 36 tháng cũng đã lên đến 9%/năm và 9,3%/năm... Trong khoảng thời gian này, nhiều chi nhánh ngân hàng TMCP khác như: Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Kỹ thương (Techcombank), Xuất Nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Công Thương (SaiGon Bank), Đông Nam Á (SeABank), Quân đội (MB) cũng tăng 0,2-0,5%/năm. Cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIBBank) cũng đã chính thức công bố lãi suất thưởng chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn từ 7 đến 36 tháng dao động từ 8,2-9,55%/năm. Riêng lãi suất thưởng các kỳ hạn này đã nhích lên 8,5-9,9%/năm.
Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các ngân hàng chủ yếu nhắm khách hàng đến các kỳ hạn dài 15-36 tháng. Theo nhận định của nhiều chi nhánh ngân hàng, từ nay đến cuối năm 2009 sẽ là khoảng thời gian sôi động của thị trường tín dụng bởi nhu cầu vay tiền trong dân và các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh sẽ tăng cao. Việc khuyến khích dòng tiền gửi đổ vào các kỳ hạn dài nhằm chuẩn bị cho các khoản vay trung và dài hạn của khách hàng. Trong khi đó, tâm lý người gửi tiền phần lớn lựa chọn kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng để có thể chủ động rút tiền cho kế hoạch tiêu dùng hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác như: vàng, chứng khoán... khi thị trường tăng nóng. Do đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ gửi ngắn hạn trong thời gian gần đây của nhiều ngân hàng đang làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách hàng đang nắm giữ tiền nhàn rỗi trong tay.
TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Tính đến hết tháng 5-2009, vốn huy động được 15.101 tỉ đồng, tăng 24,95% so với cùng kỳ năm 2008. Mức tăng khá cao, nên đã đáp ứng được 60,73% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố. Dự kiến, đến hết tháng 6-2009 vốn huy động đạt 15.500 tỉ đồng, tăng 38,95% so với cùng kỳ năm 2008. Trong tổng số vốn huy động chủ yếu là VNĐ và chủ yếu tập trung ở các kỳ ngắn hạn với khoảng 13.300 tỉ đồng, chiếm 85,81%. Vốn huy động tiền gửi trên 12 tháng là 2.300 tỉ đồng, tăng 52,02% so với cùng kỳ 2008. Tỷ trọng vốn huy động so với tổng dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 60,71%, tăng 46,46% so với cùng kỳ năm 2008.
Đối với doanh số cho vay hiện có tốc độ tăng trưởng tốt, chủ yếu là vay ngắn hạn. Năm tháng đầu năm 2009, doanh số cho vay đạt 35.573 tỉ đồng, trong đó, vay ngắn hạn 32.664 tỉ đồng. Dự kiến, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2009 sẽ ước đạt 45.000 tỉ đồng, tăng 10,25% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6-2009 đạt 25.200 tỉ đồng, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2008. Dư nợ vay ngắn hạn đạt 18.200 tỉ đồng, chiếm 72,2%.
Khảo sát trên thị trường tín dụng cho thấy, lãi suất huy động tăng, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ tại các ngân hàng vẫn ổn định do mức lãi suất cơ bản bằng VNĐ tháng 7-2009 hiện vẫn được giữ nguyên ở mức 7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước 8,5-10%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 10 đến 10,5%/năm. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 10-10,5%/năm. Lãi suất cho vay sau khi trừ đi phần hỗ trợ lãi suất 4,5-6%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến 12-16,5%/năm.
Đối với đồng đô-la Mỹ (USD), lãi suất bình quân ở tất cả các kỳ hạn có xu hướng giảm khoảng 0,02-0,3%/năm. Lãi suất bình quân cao nhất đối với kỳ hạn 3 tháng ở mức 1,31%/năm, các kỳ hạn còn lại ở mức 0,4-1,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn USD tại các ngân hàng thương mại nhà nước 3%/năm, trung và dài hạn 3,5-5%/năm. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD khoảng 3-5%/năm, trung và dài hạn 4-6%/năm.
Lãi suất giao dịch bình quân bằng VNĐ trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tăng 0,12-0,21%/năm; các kỳ hạn khác giảm 0,05-0,42%/năm. Cụ thể, lãi suất bình quân qua đêm là 5,44%/năm, các kỳ hạn khác: 6,39-8,6%/năm. Đối với giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng USD, lãi suất bình quân kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần) giảm nhẹ xuống còn khoảng 0,42-0,7%/năm; các kỳ hạn khác dao động từ 0,85-1,31%/năm.
Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2009 phát triển khá. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường có hiệu quả các biện pháp huy động vốn để cho vay. Vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng khá, góp phần mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Dự báo tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6-2009 chiếm 3,13% trên tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng trong phạm vi an toàn. Cơ cấu tín dụng trung và dài hạn chiếm 27,8%. Xu hướng phát triển mạnh các dịch vụ được các ngân hàng xác định rõ là khâu đột phá để tăng sức cạnh tranh. Các hoạt động thanh toán tiếp tục tăng, bảo đảm kịp thời, chính xác.
Bài, ảnh: Văn Tuấn