16/09/2022 - 08:27

Giá lúa thu đông sớm giảm, nông dân gặp khó! 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ đã bước vào thu hoạch lúa thu đông 2022. Hiện nhiều trà lúa thu đông chín sớm đã được thu hoạch đạt năng suất khá tốt, nhưng nông dân lại kém vui do giá lúa giảm và chi phí sản xuất tăng cao.

Thu hoạch lúa vụ thu đông 2022 tại quận Thốt Nốt.

Lúa giảm giá

Nhiều trà lúa thu đông sớm tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL đã bước vào thu hoạch với năng suất tương đối cao, nhưng nông dân kém vui vì giá bán nhiều loại lúa đang thấp hơn ít nhất từ 300-600 đồng/kg so với các vụ lúa trước. Gần đây, các loại lúa tươi OM 5451và OM 18... được nông dân bán cho thương lái và các doanh nghiệp với giá chỉ từ 5.300-5.400 đồng/kg, trong khi hồi vụ đông xuân 2021-2022 ở mức 5.700-6.000 đồng/kg. Còn lúa tươi IR 50404 được nông dân bán tại ruộng cho thương lái ở mức 5.200-5.300 đồng/kg. Giá lúa giảm được cho do giá gạo xuất khẩu đang có phần giảm so với trước và gần đây tiểu thương và doanh nghiệp giảm hoạt động thu mua, trong khi nguồn cung lúa gạo hàng hóa đang tăng. Thêm vào đó, trời liên tục có mưa lớn, việc thu hoạch, vận chuyển lúa đến nơi phơi sấy và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã giảm giá thu mua lúa, gạo từ 100-200 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Ông Nguyễn Văn Huân, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Do giá cả và đầu ra xuất khẩu gạo chưa khởi sắc như mong muốn nên gần đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa đẩy mạnh mua lúa gạo, thậm chí họ còn hạn chế thu mua đối với một số loại gạo. Vì vậy, các tiểu thương mua lúa của nông dân về xay gạo để bán cho doanh nghiệp như tôi đây cũng gặp khó và rất sợ bị thiếu vốn nếu hàng không bán ra kịp thời. Các vụ lúa trước đây, tôi thường đặt mua khoảng 3.000 công lúa của nông dân trong mỗi đợt thu hoạch lúa kéo dài trong khoảng 1 tháng, nhưng hiện nay tôi chỉ mới đặt cọc mua khoảng 1.000 công lúa của nông dân vì sợ đầu ra gạo gặp bất lợi, cũng như do thời tiết mưa không thuận lợi cho thu hoạch, phơi sấy và bảo quản lúa gạo". Hiện đa phần nông dân không có điều kiện phơi sấy và trữ lúa lại để chờ giá mà phải bán lúa tươi tại ruộng ngay sau thu hoạch. Ðây cũng là nguyên nhân khiến giá lúa dễ bị giảm, nhất là gặp phải mưa gió và các điều kiện thời tiết bất lợi, các đơn vị thu mua đòi giảm giá mới chịu thu mua.

Nông dân khó kiếm lời

Ông Nguyễn Hồng Khánh ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cho biết: "Trong vụ đông xuân và hè thu 2022, tôi bán các loại lúa chất lượng cao giống OM như: OM 18 và OM 5451 được giá từ 5.700-6.000 đồng/kg. Vụ thu đông này, 10 công ruộng của tôi sạ giống OM 5451, trước ngày thu hoạch khoảng 2 tuần, thương lái đến thỏa thuận đặt cọc mua lúa tươi với giá 5.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch lúa, trời liên tục có mưa và đồng ruộng bị ngập nước, việc thu hoạch, phơi sấy, tiêu thụ lúa gặp khó và sợ lúa bị ảnh hưởng chất lượng nên thương lái yêu cầu hạ giá thu mua xuống 100-200 đồng/kg mới chịu mua. Hai bên phải trao đổi qua lại rất nhiều lần, cuối cùng mới thống nhất được giá 5.400 đồng/kg. Lúa đạt năng suất khá tốt, lên tới 700kg lúa tươi/công tầm lớn (1.300m2) nhưng do giá vật tư đầu vào tăng cao và giá lúa thấp nên tính ra tôi chỉ có lời khoảng 500.000-700.000 đồng/công".

Ông Tô Minh Ðạt có 20 công ruộng tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "Dù trước thời điểm thu hoạch, thương lái đã đặt cọc tiền khoảng 250.000 đồng/công để thỏa thuận mua lúa tươi OM 5451 tại ruộng với giá 5.500 đồng/kg, nhưng đến thu hoạch lúa, tôi và nhiều hộ dân tại địa phương chỉ bán được giá từ 5.300-5.400 đồng/kg, thậm chí có hộ dân còn phải bán giá thấp hơn nếu lúa bị ướt. Vụ này, nông dân tiếp tục phải mua phân bón với giá rất cao, với Urê ở mức từ 850.000-900.000 đồng/bao, còn DAP từ 1.300.000-1.450.000 đồng/bao… nhưng giá lúa lại giảm nên nông dân rất khó kiếm lời, thậm chí bị lỗ nếu ruộng lúa đạt năng suất thấp...". Theo ông Nguyễn Ngọc Minh ở ấp Thới Phước 2, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, dù lúa vẫn đạt được năng suất khá tốt nhưng nông dân khó kiếm lời do chi phí tiền phân bón và các loại vật tư đầu vào tăng quá cao, lúa lại không có giá so với hồi đầu năm và so với các năm trước. Vụ này, 2 héc-ta lúa thu đông sạ giống OM 5451 của gia đình ông đã thu hoạch đạt năng suất 700-800 kg/công nhưng giá bán chỉ ở mức 5.400 đồng/kg. Các năm trước khi phân bón còn giá thấp, sản xuất lúa vụ thu đông có thể kiếm lời từ 1,5- 2 triệu đồng/công nhưng năm nay kiếm lời chưa tới 1 triệu đồng/công. Do chi phí sản xuất đã tăng cao, hiện giá bán lúa phải từ 6.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Dù phần lớn các trà lúa thu đông chín sớm vừa qua đều được thu hoạch bằng các máy móc cơ giới nhưng chi phí đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nông dân cho biết, giá thuê máy gặt đập liên hợp để cắt lúa đã tăng ít nhất từ 10.000-50.000 đồng/công, lên ở mức từ 280.000-400.000 đồng/công, tùy nơi và lúa đứng hay ngã. Nông dân cũng phải tốn thêm chi phí tiền xăng dầu để bơm tát cho các ruộng lúa bị ngập nước. Ðáng chú ý, việc thu hoạch lúa tại một số nơi cũng còn chậm so với mong đợi của nông dân do có ít máy gặp đập liên hợp. Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số nơi thời gian qua cũng tạo thêm khó khăn cho nông dân. Nông dân dân rất mong ngành chức năng bảo đảm nguồn cung xăng dầu và hỗ trợ nông dân chủ động chuẩn bị các phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa kịp thời với mức chi phí phù hợp.

Chia sẻ bài viết