04/12/2022 - 10:14

Giá dầu thế giới đứng trước rủi ro lớn 

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tiếp theo Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Úc hôm 2-12 đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60USD/thùng, dự kiến bắt đầu từ ngày 5-12. Động thái này đã đẩy giá dầu giảm xuống nhưng tiềm ẩn gây thêm rủi ro cho bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu. 

Một mỏ khai thác dầu ở Nga. Ảnh: CNN

Một mỏ khai thác dầu ở Nga. Ảnh: CNN

Trong phiên giao dịch ngày 2-12, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 tại thị trường New York giảm 1,24USD (1,5%) xuống 79,98USD/thùng. Tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 2 giảm 1,31USD (1,5%) xuống 85,57USD/thùng.

Trước đó, Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados thông báo nước này đã nhất trí với thỏa thuận của khối áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60USD/thùng. Ba Lan đã trì hoãn phê duyệt thỏa thuận để nghiên cứu cơ chế điều chỉnh nhằm giữ mức trần thấp hơn giá thị trường. Đại sứ Sados cho biết cơ chế trong thỏa thuận cuối cùng sẽ giữ mức giá trần thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Theo ông, EU hiện có thể ban hành văn bản để tất cả 27 quốc gia thành viên chính thức phê duyệt thỏa thuận và công bố trong ngày 4-12, một ngày trước khi lệnh cấm vận của của EU chính thức có hiệu lực. Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1-2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần.

Áp đặt giới hạn giá đối với dầu mỏ của Nga là ý tưởng được G7 đề xuất nhằm giảm thu nhập của Mát-xcơ-va từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ phục vụ cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và đồng thời nhằm giúp kéo giảm giá dầu thế giới ở mức cao vốn gây ra tình trạng lạm phát tăng mạnh trên quy mô toàn cầu. Giới hạn giá của G7 sẽ cho phép các quốc gia ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bằng cách sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và hàng hải của phương Tây, miễn là các nước này không thanh toán ở mức giá cao hơn so với giới hạn được đưa ra. Mức giới hạn ban đầu do G7 đề xuất là 65-70USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh.

Vì dầu thô Urals của Nga đã được giao dịch thấp hơn mức giá 60USD/thùng nên Ba Lan, Litva và Estonia thúc đẩy hạ giá trần xuống thấp hơn. Nội bộ EU đã tranh luận suốt nhiều ngày về các chi tiết, trong đó bổ sung các điều kiện khác vào thỏa thuận. 

Sau khi thống nhất mức giá trần dầu mỏ của Nga, nữ Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tuyên bố “làm tê liệt nguồn thu năng lượng của Nga là phần cốt lõi để ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga”. Bà cho biết mỗi đồng đô-la  dầu mỏ giới hạn được giảm xuống sẽ khiến Nga mất đi 2 tỉ USD cho ngân sách chiến tranh. Dù thừa nhận Estonia mong muốn áp mức giá trần dầu mỏ xuống 30-40USD/thùng nhằm làm tổn hại nghiêm trọng cho Nga, nhưng bà Kallas cho biết vẫn cảm thấy vui vì đây là thỏa thuận tốt nhất mà nội bộ EU có thể đạt được.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong một tuyên bố cho biết thỏa thuận trên sẽ giúp hạn chế “nguồn thu nhập chính cho cuộc chiến bất hợp pháp của Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời duy trì sự ổn định của các nguồn cung năng lượng toàn cầu”.  Tuy nhiên, có những chỉ trích ở phương Tây cho rằng mức giá trần dầu mỏ 60USD/thùng là không đủ để cắt đứt nguồn thu nhập chính của Nga bởi dầu Urals hiện có giá bán thấp hơn mức này rất nhiều.

Trong một giao dịch mới đây, dầu Urals có mức giá 52USD/thùng, rẻ hơn 33,28USD/thùng so với dầu Brent biển Bắc. Năm 2021, dầu Urals chỉ thấp hơn dầu Brent trung bình 2,85USD/thùng. Do lệnh cấm vận của phương Tây, Nga bán dầu với giá thấp, nhất là cho các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. 

Mức giá trần của EU và G7 sẽ buộc các công ty vận tải đường biển, bảo hiểm và nhiều dịch vụ khác từ chối tham gia giao dịch liên quan đến dầu mỏ của Nga nếu bên mua trả cao mức 60 USD/thùng. Mà phần lớn những công ty này đóng tại châu Âu. Hiện nay, khoảng 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga qua EU, Trung Quốc, Ấn Độ bằng đường biển. Vì thế, lệnh cấm này được cho sẽ có tác động mạnh.

Các nhà phân tích cho rằng Nga và các đối tác thương mại sẽ có những phương thức để “né” lệnh cấm giao dịch vượt mức giá trần giá dầu. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng dầu mỏ là rất lớn và một lần nữa có thể đẩy giá năng lượng lên cao. Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia áp đặt giá trần và cảnh báo sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Chia sẻ bài viết