11/02/2021 - 20:38

Gay cấn cuộc đua thám hiểm vũ trụ 

Sự kiện con người lần đầu đặt chân lên Mặt trăng cách đây hơn 50 năm đã đánh dấu đỉnh cao của cuộc chạy đua khám phá không gian giữa hai siêu cường Mỹ - Liên Xô. Nhưng giờ đây, các quốc gia với những công nghệ mới cùng tham vọng táo bạo đang khiến đường đua sôi động hơn nhiều.

Tăng tốc tới Mặt trăng

Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 5 cuối năm 2020. Ảnh: peoplesdaily

Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 5 cuối năm 2020. Ảnh: peoplesdaily

Là thiên thể gần Trái đất nhất và duy nhất bên ngoài địa cầu mà con người từng đặt chân tới, Mặt trăng một lần nữa trở thành mục tiêu cạnh tranh giữa các cường quốc.

Một trong số đó là việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố thông tin chi tiết Chương trình Artemis đưa phi hành gia cả nam lẫn nữ đầu tiên lên và lưu lại Mặt trăng khoảng 1 tuần vào năm 2024. Theo NASA, hơn 16 tỉ USD trong tổng kinh phí 28 tỉ USD cho giai đoạn đầu sẽ dùng để chế tạo tàu đáp thế hệ mới. Giai đoạn đầu của chương trình gồm 3 chuyến bay: không người lái vào năm 2021, chở phi hành gia đến quỹ đạo Mặt trăng năm 2023 và cuối cùng là đáp xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái đất trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ phóng tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt trăng vào tháng 10-2021 để nghiên cứu lớp đất mặt, bụi và ngoại quyển plasma xung quanh cực Nam Mặt trăng. Mát-xcơ-va còn dự định thực hiện thêm 4 vụ phóng tàu thăm dò lên “chị Hằng” với hy vọng sứ mệnh Luna-27 sẽ chiết xuất được nước giai đoạn 2024-2025.

Đường đua càng thêm đông đúc hơn khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng bắt tay với NASA xây dựng các module cho trạm vũ trụ Artemis Gateway quay quanh Mặt trăng.

Tất nhiên, Trung Quốc không đứng ngoài cuộc mà bằng chứng là cuối năm 2020 đã phóng thành công tàu Hằng Nga 5, thu về 2kg mẫu đất đá ở địa điểm chưa từng khám phá trên Mặt trăng. Bắc Kinh còn muốn lắp đặt một trạm vũ trụ riêng trên quỹ đạo Trái đất năm 2022 trước khi đưa người lên Mặt trăng vào giữa thập niên này. Xa hơn là mục tiêu định cư trên Mặt trăng trong những năm 2030.

Thành tựu và tham vọng của quốc gia láng giềng khiến Ấn Độ “nóng mặt”. Bởi vậy, nước này quyết tâm thực hiện cho bằng được sứ mệnh thám hiểm không người lái Chandrayaan-3 vào đầu năm 2021, sau lần hạ cánh thất bại xuống bề mặt cực Nam Mặt trăng tháng 9-2019.

Lâu nay, chính phủ các nước phóng tàu vũ trụ đều coi Mặt trăng là một tài sản chiến lược. Giới khoa học tin rằng thiên thể đó ẩn chứa nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, titanium, bạch kim, đất hiếm hay đồng vị không phóng xạ helium-3. Do vậy, không chỉ đơn thuần khám phá khoa học, thám hiểm Mặt trăng còn nhằm mục đích khai thác tài nguyên và thậm chí đưa người lên định cư tại hành tinh cách chúng ta hơn 386.000km.

Tấp nập bay đến sao Hỏa

Nhờ được trang bị hai microphone, xe tự hành Perseverance của Mỹ có thể giúp con người lần đầu tiên nghe âm thanh trên sao Hỏa. Ảnh: shasthrasnehi

Nhờ được trang bị hai microphone, xe tự hành Perseverance của Mỹ có thể giúp con người lần đầu tiên nghe âm thanh trên sao Hỏa. Ảnh: shasthrasnehi

Ngoài Mặt trăng, sao Hỏa là hành tinh tiếp theo mà nhân loại muốn chinh phục nhất, một phần bởi nó có nhiều điểm tương đồng với Trái đất. Hồi tháng 7-2020, cuộc đua thám hiểm hành tinh cách chúng ta 225 triệu km bước vào một trong những thời điểm nóng bỏng nhất trong lịch sử khi cả Mỹ và Trung Quốc đồng loạt thực hiện các sứ mệnh Mars 2020 và Thiên Vấn 1. Dự kiến khi đến quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2-2021, Thiên Vấn 1 sẽ thả một robot xuống bề mặt để nghiên cứu. Tuy nhiên, Mars 2020 của NASA mới thực sự đáng gờm bởi tàu tự hành Perseverance trang bị 23 camera sẽ trải qua 1 năm ở sao Hỏa (tương đương 687 ngày Trái đất) để thu thập và gửi về các mẫu đất đá mà giới khoa học hy vọng ẩn chứa manh mối của sự sống nguyên thủy. Đặc biệt, dự án 2,7 tỉ USD này còn mang theo một thiết bị bay mini, trực thăng đầu tiên của nhân loại trên một hành tinh ngoài Trái đất.

Đường đua đến Hỏa tinh cũng vừa có thêm “tân binh”: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tháng 7-2020, tàu thăm dò Hope thuộc sứ mệnh thám hiểm xuyên hành tinh đầu tiên của UAE trị giá 200 triệu USD đã rời bệ phóng thành công. Tàu chỉ bay quanh quỹ đạo sao Hỏa để nghiên cứu bầu khí quyển chứ chưa đủ khả năng đáp xuống. Dù vậy, UAE lại đặt ra mục tiêu không tưởng là “thuộc địa hóa” hành tinh Đỏ trước năm 2117.

Xét về mặt khoa học công nghệ, chạy đua khám phá vũ trụ cũng mang lại lợi ích thiết thực cho con người. Như thời Chiến tranh Lạnh, cuộc đua song mã giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp nhân loại đạt được những bước tiến đột phá, như lần đầu con người bay vào vũ trụ (năm 1961) hoặc bước đi trên Mặt trăng (phi hành gia Mỹ Neil Armstrong năm 1969).

Kỷ nguyên mới trong du hành không gian

Cuối năm 2020, Tập đoàn công nghệ Mỹ SpaceX tạo tiếng vang lớn với chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ, đưa thành công 4 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào việc trở thành “taxi không gian” cho NASA, SpaceX của tỉ phú Elon Musk ngày càng coi trọng du lịch vũ trụ như một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Điều này thấy rõ qua việc SpaceX ký thỏa thuận với một công ty khởi nghiệp để thực hiện chuyến bay du lịch đầu tiên. Tàu vũ trụ Crew Dragon dự định đưa 3 du khách lên ISS để trải nghiệm 8 ngày sống trong môi trường không trọng lực vào nửa cuối năm 2021. Dù giá mỗi vé lên đến 55 triệu USD, nhưng một chỗ ngồi đã có chủ ngay trong ngày công bố hợp đồng.

Không dừng lại, SpaceX còn đang phát triển tàu Starship để chở người tới các địa điểm ở không gian sâu như Mặt trăng và sao Hỏa. Tỉ phú trẻ người Nhật Yusaku Maezawa là khách hàng đầu tiên tham gia chuyến bay quanh Mặt trăng của SpaceX, dự kiến vào năm 2023. Một năm sau, tàu Starship sẽ bay tới sao Hỏa, chuẩn bị cho kế hoạch hết sức táo bạo là giữa thế kỷ này sẽ đưa con người lên định cư ở đây.


HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết