Vai trò của Anh trong việc cung cấp thông tin cho “danh sách tìm diệt” của quân đội Mỹ ở Afghanistan đang gặp phải thách thức về mặt pháp lý trong bối cảnh quốc tế ngày càng quan ngại về các cuộc đột kích chống lại các tay súng nổi dậy và bọn buôn lậu ma túy.
Một người đàn ông Afghanistan bị mất 5 người thân trong một vụ tấn công bằng tên lửa đã khởi kiện Cơ quan chống tội phạm nghiêm trọng có tổ chức (SOCA) và Bộ Quốc phòng Anh, yêu cầu được biết chi tiết về vai trò của Anh “trong tài liệu thu thập, sự xét duyệt và việc thực hiện danh sách nói trên cũng như hình thức thể hiện của nó”. Thư của tòa án gửi cho SOCA và Bộ Quốc phòng Anh cho biết sự liên quan của các quan chức Anh trong những quyết định này “có thể làm gia tăng các chiến dịch tấn công tội phạm và như thế là bất hợp pháp”. Họ còn nói vai trò của Anh gây nhiều mối lo, đặc biệt trong các vụ mà luật nhân đạo quốc tế bảo vệ thường dân và những người không tham chiến có thể đã bị phá vỡ.
Được biết, việc tìm diệt các thủ lĩnh Taliban trong các vụ tấn công trước đó đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan. Những cuộc tấn công này có sự tham gia của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Anh và Afghanistan cũng như có sử dụng các máy bay không người lái. Nhưng những ai bị đưa vào “danh sách tìm diệt” và tại sao thi thể người chết bị giấu kín như bưng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhóm nhân quyền. Họ đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp của những chiến dịch này khi cho rằng những người thiệt mạng đa số là dân thường.
SOCA đã từ chối bàn luận về công tác tình báo của mình nhưng cơ quan này cùng với Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ đã làm việc “một cách nghiêm túc trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Vai trò của họ trong chiến dịch biên soạn “danh sách tìm diệt” đã được giải thích lần đầu trong bản báo cáo gửi cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Báo cáo mô tả cách thức một lực lượng đặc nhiệm mới chống những kẻ buôn lậu ma túy, các phần tử nổi dậy và quan chức tham nhũng được thành lập tại sân bay Kandahar ở miền Nam Afghanistan. “Đơn vị này sẽ liên kết quân đội Mỹ và Anh với Cục Phòng chống ma túy Mỹ, SOCA cũng như các cơ quan cảnh sát và tình báo ở các nước khác”- báo cáo dài 31 trang từ năm 2009 nêu rõ. Tuy nhiên, nó cũng nói rằng 2 tướng lĩnh ở Afghanistan đã hiểu nhầm thành “cho phép họ đưa những kẻ buôn lậu ma túy đã được chứng minh có liên quan đến tình trạng nổi dậy vào bảng danh sách đen”.
Thách thức pháp lý dành cho Anh nổi lên khi một nhân viên ngân hàng ở Kabul, Habib Rahman, tuyên bố người thân của anh đã bị giết hại phi pháp trong một vụ nhận diện nhầm có liên quan đến chiến dịch trong “danh sách tìm diệt”. Theo đó, cuộc tấn công bằng tên lửa của quân đội Mỹ ngày 2-9-2010 đã cướp đi sinh mạng 2 anh em trai, 2 người chú và cha vợ của Rahman, đồng thời hại chết 5 người khác và làm nhiều người nữa bị thương. Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) thuộc NATO nói rằng mục tiêu của họ trong vụ tấn công này là Muhammad Amin - người bị Mỹ cáo buộc là một thủ lĩnh của Taliban và là thành viên của Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, còn những người đi cùng với y là những kẻ nổi dậy. Tuy nhiên, điều tra của Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan (AAN) lại khẳng định người bị giết là Zabet Amanullah và đối tượng Amin thì vẫn còn sống.
Các luật sư của Rahman cho biết họ không biết liệu thông tin do Anh cung cấp có liên quan đến vụ tấn công trên hay không, nhưng hy vọng vụ kiện sẽ buộc các quan chức minh bạch hơn về vai trò của Anh đối với “danh sách tìm diệt”. Đơn kiện của họ đề cập đến Hiệp định Genève, trong đó nêu rõ là những người không liên quan đến chiến sự cần được bảo vệ khỏi “các vụ bạo lực và giết chóc ở mọi hình thức”. Các luật sư cũng tin rằng cho dù ISAF đã tìm diệt đúng mục tiêu thì việc gây thương vong cho những người khác cũng bị coi là hành vi bất hợp pháp.
THANH TRÚC (Theo Guardian)