09/05/2025 - 22:17

Gắn thực hiện chuyển đổi số với xây dựng đô thị văn minh 

Xác định chuyển đổi số (CÐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt quá trình phát triển ở giai đoạn mới, các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp quận Ô Môn luôn chung tay thực hiện. Kết quả từ CÐS mang lại là tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn quận phát triển nhanh, bền vững.


Người dân phường Thới Hòa quét mã QR để thực hiện các thủ tục hành chính. 

 

Cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Thới Hòa đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị, tập huấn về công tác CÐS, lồng ghép với các cuộc họp giao ban; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử phường, hệ thống truyền thanh, băng rôn, pano; các nhóm Zalo của cán bộ, công chức, đảng viên và người dân…

Theo ông Hoàng Văn Ðôn, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thới Hòa, năm 2023, phường tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên điện thoại thông minh để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuận tiện. Phường tạo mã QR các TTHC trực tuyến toàn trình và một phần. Hiện nay, toàn bộ thông tin về TTHC, cũng như việc giải quyết TTHC ở địa phương đều được thực hiện trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức phường sử dụng tương đối tốt các phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ. Ứng dụng hiệu quả phần mềm ký số văn bản tích hợp trong hệ thống phần mềm quản lý văn bản để điều hành và giải quyết công việc trên môi trường mạng.

Phường Thới Hòa đã hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Viettel Money trên điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng; tạo mã QR tại 10 điểm có đông người sinh hoạt (quán cà phê, quán ăn uống) trên đường Trần Kiết Tường để người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Hoàng Văn Ðôn, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ, đến nay, trên 50% người dân trên địa bàn phường đã có thói quen thanh toán các khoản chi phí điện, nước, học phí, mua bán hàng hóa... qua ứng dụng Viettel Money. Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng của phường đạt trên 95%; tỷ lệ người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC đạt trên 90%; phường sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%...

Thời gian qua, UBND quận Ô Môn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo CÐS; chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo các cấp về CÐS; lập 79 tổ công nghệ số cộng đồng với 483 thành viên để hỗ trợ người dân về CÐS; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp về CÐS. Quận đã đầu tư phát triển hạ tầng số như rà soát, duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; lắp đặt 456 cụm loa, 928 cái loa; mỗi năm đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm, nâng cấp máy vi tính, máy scan, máy quét mã QR phục vụ CÐS. Mỗi năm, các cấp, các ngành quận cử hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về CÐS, qua đó giúp củng cố thêm kiến thức chuyên môn, nâng cao hiểu biết về CÐS để tiếp tục làm tốt công tác này. 

Ðể phát triển chính quyền số, các cấp, các ngành quận Ô Môn đã trang bị 238 máy vi tính cho cán bộ, công chức, viên chức từ quận đến cơ sở; kết nối internet 100% máy vi tính của cán bộ, công chức, viên chức (trừ máy sử dụng, lưu trữ tài liệu mật). Ðến nay, quận đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử đạt trên 92%; số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt trên 93%; số lượng hồ sơ trực tuyến đạt trên 97%; số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt trên 73%.

Quận đã phối hợp với Mobifone Cần Thơ triển khai ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Quận hỗ trợ Hợp tác xã Thới Trinh (phường Phước Thới) và Hợp tác xã cung cấp cây giống Nam Hưng (phường Thới Hòa) cung cấp các sản phẩm trên sàn điện tử postmart và voso.vn; hỗ trợ đưa 1 sản phẩm OCOP đăng ký bán hàng trên kênh thương mại điện tử Tiki. Quận triển khai 523 điểm nhận dạng cho tiểu thương quét mã QR thanh toán mua hàng hóa không sử dụng tiền mặt; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 136 người có công với cách mạng (đạt tỷ lệ 69,39%); phối hợp với Bưu điện và Ngân hàng Nam Á, UBND các phường đăng ký tạo tài khoản cho 3.574 đối tượng bảo trợ xã hội nhận chi trả không dùng tiền mặt (đạt tỷ lệ 95,94%).

Ông Trịnh Văn Nam, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận, cho biết, các phường trên địa bàn quận sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về CÐS; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về CÐS, gắn thực hiện CÐS với xây dựng đô thị văn minh. Khai thác thế mạnh nhân lực địa bàn của các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông trong việc hỗ trợ các đơn vị, người dân trên địa bàn thực hiện CÐS…

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết