06/11/2011 - 09:02

G20 với những cam kết còn bỏ lửng

Tổng thống Pháp Sarkozy coi như kết thúc vai trò Chủ tịch G20, sẽ bàn giao trách nhiệm này cho Mexico vào ngày 1-12 tới. AFP

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Cannes (Pháp) trong hai ngày 3 và 4-11 vừa qua đã khép lại với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, báo chí phương Tây cho rằng đây chỉ là những cam kết bỏ lửng với một bản thông cáo chung chung, thiếu chi tiết.

Thông cáo sau hội nghị nêu rõ G20 tái khẳng định cam kết cùng hợp tác và đưa ra các quyết định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo sự ổn định về tài chính, tăng cường sự liên kết xã hội và làm cho tiến trình toàn cầu hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Thông cáo cũng nhấn mạnh các nước G20 lựa chọn các biện pháp khác nhau để thực hiện những ưu tiên cụ thể của mình. Các nước tiên tiến có ngân sách eo hẹp cam kết thông qua các chính sách nhằm xây dựng lòng tin, hỗ trợ tăng trưởng, củng cố nguồn tài chính; trong khi những nước có thặng dư sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Theo thông cáo, các nhà lãnh đạo G20 cam kết ủng hộ đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập quỹ duy nhất nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp của những nước thành viên gặp khó khăn. Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy cho rằng, quyết định này nhằm giúp IMF đảm nhận vai trò then chốt trong việc bảo vệ sự tăng trưởng và ứng phó với những cú sốc bất ngờ. Ngoài ra, nhằm điều chỉnh vai trò và những đặc tính đang thay đổi theo thời gian của các đồng tiền, vấn đề quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sẽ được đưa ra xem xét vào năm 2015 hoặc sớm hơn khi các đồng tiền đáp ứng các tiêu chí để tham gia giỏ tiền tệ này.

Liên quan hoạt động điều phối tài chính, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí với những hành động và nguyên tắc giúp mang lại lợi ích từ sự hội nhập tài chính và giúp tăng cường khả năng trụ vững trước những nguồn vốn dễ biến động. Thông cáo nhấn mạnh G20 không cho phép tái diễn cách ứng xử như thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính và sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết liên quan tới các ngân hàng, thị trường ngoài sàn và vấn đề bồi thường. Giới lãnh đạo G20 cũng nhất trí rằng các nhà điều phối thị trường cần được trao quyền can thiệp thích hợp để ngăn chặn các hoạt động lạm dụng trên thị trường, đồng thời khẳng định gia tăng sản lượng nông nghiệp là yếu tố chính để nuôi sống dân số thế giới.

Trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp lan sang các nền kinh tế lớn hơn trong và ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hội nghị nhất trí trao cho IMF trách nhiệm mới là phối hợp với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giám sát Ý thực hiện các chương trình cải cách kinh tế của nước này. Ngoài ra, hội nghị cũng nhất trí giao cho một số tổ chức quốc tế đánh giá các hoạt động trao đổi nợ dưới hình thức trái phiếu và tăng cường giám sát các hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, hãng tin Anh BBC ngày 5-11 nhận định rằng, thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 thiếu chi tiết và số liệu cụ thể, và rằng dường như các vấn đề không được giải quyết. Theo hãng tin này, Pháp đã thất bại trong việc thuyết phục các nước thành viên G20 khác cung cấp con số cụ thể về tài chính cho Eurozone để cung cấp mạng lưới an toàn tài chính cho khối này. Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng xác nhận các nước ngoài Eurozone chưa nói rõ có sẵn sàng đầu tư vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) hay không. Mặt khác, theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo G20 đã không thu hẹp được bất đồng về áp thuế giao dịch tài chính, vấn đề mà Pháp mong muốn sẽ được thực hiện trong thời gian nước này giữ chức Chủ tịch G20. Tổng thống Sarkozy cho biết Canada và một số nước lớn khác vẫn phản đối chủ trương trên.

N.Q (Theo BBC, TTXVN)

Chia sẻ bài viết