22/09/2021 - 07:37

F0 khỏi bệnh ở lại tuyến đầu: Những tình nguyện viên F0 đặc biệt 

Mỗi tình nguyện viên F0 khỏi bệnh ở lại tuyến đầu là một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trong bối cảnh dịch phức tạp thì mỗi nghĩa cử, mỗi hành động của họ vô cùng ý nghĩa, đáng trân trọng.

Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo quận Phú Nhuận tặng hoa và quà cho đội hình Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ở tuyến đầu, các F0 tình nguyện không chỉ là những người bệnh mà còn có cả đội ngũ nhân viên y tế và những người có hoàn cảnh đặc biệt. Quyết tâm không rời trận địa, họ cùng chung vai, sát cánh với lực lượng y tế nỗ lực điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Có lẽ, chưa bao giờ, sự đồng lòng, chung sức của người dân Thành phố Hồ Chí Minh lại thể hiện rõ trong thời điểm vô cùng khó khăn, đặc biệt này.

Bác sỹ, điều dưỡng F0 không chịu rời trận địa

Tối 30/7, bác sỹ Đào Nguyễn Phương Linh - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến COVID-19 số 2 đã nhận được cuộc gọi thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Lặng lẽ dọn đồ đến khu cách ly người bệnh COVID-19, nữ bác sỹ nhớ như in cảm giác cô đơn khi đi trên lối riêng vào khu cách ly. "Thật không dễ dàng gì khi trở thành bệnh nhân, nhất là khi đồng đội vẫn đang nỗ lực chiến đấu ngoài kia," bác sỹ Linh kể về thời khắc khó khăn của mình.

Do đó, khi vào khu cách ly, chị vẫn tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp từ xa, giúp bệnh nhân xuất viện và tư vấn khi F0 trở về cách ly tại nhà. Mỗi ngày, chị vẫn chỉ ngủ đúng 4 tiếng như khi vẫn làm việc bình thường, công việc vẫn nhiều như khi chưa mắc bệnh.

"Nếu mình không làm, đồng đội sẽ phải làm thay mình và công việc cứ thế nhân đôi, nhân ba," bác sỹ Linh tâm sự và quyết tâm dù trong bối cảnh nào vẫn kề vai chiến đấu cùng đồng đội trong cuộc chiến này.

"Không chịu rời trận địa" cũng là trường hợp của Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền, Bệnh viện Chợ Rẫy đang phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh.

Không may trở thành F0 vào đầu tháng 9/2021 khi đang làm nhiệm vụ nhưng anh Hiền không cho phép mình được ngơi nghỉ. Theo quy định, nếu mắc bệnh sẽ được nghỉ hẳn để dưỡng bệnh nhưng lòng anh Hiền không thôi trăn trở bởi rất nhiều bệnh nhân đang cần mình. Vì thế, anh đề đạt với cấp trên cho mình hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập vận động.

“Thực tế nhu cầu tập vật lý trị liệu của bệnh nhân COVID-19 rất cao, trong khi lực lượng mỏng nên khi mình không có triệu chứng mà cứ nằm một chỗ trong khu cách ly lãng phí quá," anh Hiền tâm sự. Thế là hàng ngày, anh Trương Văn Hiền đều đặn đến từng phòng bệnh hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu, vừa nâng niu đôi chân, nhịp nhàng tập cử động các khớp tay cho người này xong lại đôn đáo chạy đến với bệnh nhân khác.

Tương tự anh Hiền, hai nữ điều dưỡng Lê Thị Quỳnh Oanh và Nguyễn Thị Vinh, Khoa Nội Thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất cũng không ngần ngại xung phong chăm sóc bệnh nhân dương tính dù đều là những F0. Ngày 10/8, chị Oanh và chị Vinh nhận kết quả xét nghiệm dương tính.

Cả hai vào khu cách ly bệnh viện và chống chọi với những cơn sốt, đau, mỏi, khó thở do virus SARS-CoV-2 gây ra. Sau gần 1 tuần, khi sức khỏe ổn định, cả hai đồng lòng bảo nhau xin lãnh đạo vào khu điều trị cho bệnh nhân lọc máu dương tính, vừa đỡ việc cho đồng nghiệp vừa được chăm sóc bệnh nhân.

"Nhân lực tại khoa mỏng, công việc chồng chéo nên nếu mình làm sẽ đỡ một người từ khu âm tính sang, mình mắc rồi nên không sợ gì nữa," điều dưỡng Vinh chia sẻ về quyết định của mình. Và hai nữ điều dưỡng trẻ xem đây khoảng thời gian để hoàn thiện bản thân và càng thêm yêu nghề hơn, nhất là lúc nhìn bệnh nhân khỏi bệnh và được chuyển sang khu âm tính.

Từ F0 lập bệnh viện đến F0 tình nguyện lớn tuổi nhất

Sau khi được điều trị khỏi COVID-19, anh Nguyễn Tuấn Khởi (38 tuổi) tham gia xây dựng Dự án FoodBank (ngân hàng thực phẩm), Dự án Bệnh viện tại nhà để hỗ trợ những người mắc COVID-19 gặp khó khăn về thực phẩm, dịch vụ y tế.

Các F0 sau khi khỏi bệnh tham gia vào việc phát suất cơm hàng ngày cho các bệnh nhân F0 khác. (Ảnh: TTXVN phát)

Chia sẻ về những ngày mắc bệnh, anh Khởi cho hay đó là một hành trình đầy khó khăn và thử thách. Đặc biệt, nếu không có sự trợ giúp về y tế, các F0 sẽ cảm thấy rất bơ vơ, bế tắc.

Vốn là một người năng nổ, từng khởi xướng chương trình "Hành trình đỏ" gây được tiếng vang, khi hết bệnh, anh Khởi bắt tay vào Dự án FoodBank để hỗ trợ lượng thực, thực phẩm trong vùng dịch.

Nhờ có dự án của anh, hàng triệu người đã được cung cấp thực phẩm miễn phí, vượt qua khoảng thời gian khó khăn khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Lúc Foodbank hoạt động ổn định cũng là lúc Nguyễn Tuấn Khởi cùng các cộng sự thành lập nên Dự án Bệnh viện tại nhà. Cùng với sử dụng ứng dụng trực tuyến MedOn và tổng đài 1900 1277, Bệnh viện tại nhà cung cấp cho người nhiễm và nghi nhiễm các kiến thức, hướng dẫn về sức khỏe, dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao... để vượt qua bệnh tật.

Đội ngũ tình nguyện viên của dự án còn cấp phát thuốc tại nhà cho người bệnh, cho mượn bình oxy, kết nối với các cơ sở y tế, bệnh viện trong trường hợp cấp cứu... Từ đó, hàng nghìn người bệnh đã được trợ giúp, cứu chữa kịp thời trong những thời điểm hệ thống y tế công lập quá tải.

Mới đây nhất, Dự án Bệnh viện tại nhà của Khởi đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân thành lập nên Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Bình Tân, tiếp nhận thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.

Ngày 10/9, Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Bình Tân chính thức đi vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh và ngay lập tức đã thu dung hết công suất. Anh Nguyễn Tuấn Khởi cũng trở thành Phó Giám đốc điều hành của bệnh viện, hàng ngày tất tả ngược xuôi tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.

"Niềm vui nhất của mình là sau 9 ngày đi vào hoạt động, đã có 18 người bệnh được xuất viện về nhà và có vài trăm bệnh nhân nữa xuất viện ngay sau đó vài ngày," anh Khởi hớn hở khoe về thành quả đầu tiên. Và cứ thế, như một nhân viên y tế thực thụ, hàng ngày Nguyễn Tuấn Khởi cắm chốt trong bệnh viện, vận dụng các mối quan hệ kêu gọi hỗ trợ, dần hoàn thiện hơn Bệnh viện dã chiến để ngày càng có nhiều bệnh nhân được tiếp nhận điều trị, khỏi bệnh, trở về nhà sum họp cùng người thân.

Khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8) mấy ngày nay, cứ chiều chiều lại có một cụ bà cần mẫn quét sân. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đó là một F0 tình nguyện đặc biệt. Đặc biệt bởi đây là F0 tình nguyện lớn tuổi nhất hiện nay và đặc biệt bởi câu chuyện trở thành F0 của bà cũng đầy tình người.

Theo lời kể của bác sỹ Hoàng, bà Hoàng Thị Đại (68 tuổi, ngụ Quận 8) được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp do mắc COVID-19 hồi cuối tháng 8/2021.

Sau 14 ngày điều trị, bà Đại khỏi bệnh và trở về phòng trọ cũ nhưng phòng đã bị chủ nhà lấy lại, không tiếp tục cho thuê. Bơ vơ không chốn nương thân, bà Đại được Ban giám đốc Bệnh viện quyết định cho ở lại làm tình nguyện viên có trả lương.

Thế là hằng ngày, trong khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp, có một tình nguyện viên đặc biệt vừa giúp các bệnh nhân lớn tuổi ăn cơm, uống nước, trò chuyện, vừa quét dọn giữ cho bệnh viện được sạch sẽ tinh tươm. Bà Đại cho hay được có chỗ ăn, chỗ ở, được làm mấy công việc vừa sức, không quá nặng nhọc như thế này là một điều may mắn.

Tiến sỹ, bác sỹ Phan Minh Hoàng chia sẻ: “Bệnh viện cũng cần các cụ cao tuổi để động viên, chăm sóc cho nhau nên giữ bà ở lại. Hàng ngày, bà giúp cơm nước cho F0 cao tuổi, bà nhắc mọi người giữ vệ sinh chung. Bà cũng vui mà các bệnh nhân khác cũng vui."

Mỗi tình nguyện viên một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp như hiện nay thì mỗi nghĩa cử, mỗi hành động của họ vô cùng ý nghĩa, trở thành những câu chuyện đẹp rất đáng trân trọng.

Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết