27/05/2020 - 07:29

EU trước áp lực cứng rắn với Trung Quốc 

Theo Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, khối này cần một chiến lược mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong bối cảnh châu Á đang dần thay thế Mỹ trở thành trung tâm quyền lực toàn cầu.

Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Borrell. Ảnh: AP

Phát biểu trước các nhà ngoại giao Đức hôm 25-5, ông Borrell nhắc lại dự báo lâu nay của giới phân tích về sự xuất hiện của "kỷ nguyên châu Á" khi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống toàn cầu có thể đi đến hồi kết. Theo quan chức cấp cao EU, đây không còn là viễn cảnh mà đang trở thành hiện thực và có thể coi đại dịch COVID-19 như bước ngoặt của tiến trình chuyển đổi quyền lực từ Tây sang Đông.

Được thảo luận tại nhiều nước châu Âu, ông Borrell cho biết EU đang đứng trước sức ép phải chọn lựa sao cho cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói thêm về quan hệ với cường quốc châu Á, quan chức này xác nhận Brussels và Bắc Kinh không phải lúc nào cũng dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và có đi có lại. Trong tín hiệu cho thấy khối này đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Borrell nêu rõ sự cần thiết của một chiến lược mạnh mẽ hơn. Điều này không chỉ đòi hỏi EU duy trì tính kỷ luật cao, tuân theo lợi ích và giá trị tập thể mà còn phải xây dựng mối quan hệ tốt với các nền dân chủ còn lại của châu Á.

Lời kêu gọi siết chặt đoàn kết tập thể trước Trung Quốc từng được ông Borrell đưa ra hồi giữa tháng 5, sau cảnh báo Bắc Kinh tìm kẽ hở giữa các thành viên EU để công kích nhằm đạt mục đích riêng. Ông thừa nhận EU có lúc "ngây thơ" trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng thời kỳ của "sự lạc quan lãng mạn" đã chấm dứt và khối này giờ đây đã chuyển sang cách tiếp cận thực tế hơn.

Nếu lúc trước EU từng miễn cưỡng cùng phe với Tổng thống Mỹ Donald Trump đối phó Trung Quốc, giới phân tích cho rằng tình hình đã thay đổi khi chủ nghĩa dân túy ngày càng lan rộng ở châu Âu. Ngoài ra, sự thất vọng trước những rào cản khi tiếp cận thị trường đại lục, nhiều dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" bị tê liệt vì kinh tế Trung Quốc chậm lại hay biến động chính trị tại Hong Kong phô bày tính toán mới của Bắc Kinh đã thúc đẩy EU cứng rắn hơn.

Về phần mình, các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ với châu Âu, phản ánh qua tuyên bố của Bắc Kinh xác định năm 2020 là năm ngoại giao EU-Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời "tán tỉnh" các nước Trung và Đông Âu theo cơ chế hợp tác 17+1. Tuy nhiên, chuyên gia Philippe Le Corre tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ thay đổi, không chỉ ngoại giao Trung Quốc bị phản tác dụng mà thái độ của nước này cũng khiến dư luận châu Âu quan ngại. Theo kết quả thăm dò do tổ chức Körber-Stiftung công bố, 71% người Đức tin rằng Trung Quốc nếu minh bạch hơn sẽ giúp giảm nhẹ đại dịch COVID-19. Tại Pháp, khảo sát của Ifop/Reputing Squad thực hiện cho thấy chỉ 12% nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia tốt nhất có thể ứng phó thách thức của thập kỷ tiếp theo.

Nói về chính sách sắp tới, Ủy viên EU về cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết châu Âu cần quyết tâm và quyết đoán hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra cho các chính trị gia phương Tây là làm thế nào không rơi vào "mồi lửa" Chiến tranh Lạnh giữa Bắc Kinh và Washington. Vấn đề cảnh giác còn lại là hướng đi của Trung Quốc, trong đó bao gồm cái được coi là mục tiêu chiến lược biến EU thành vùng đệm chống lại Mỹ.

Gần đây, người dẫn đầu quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc Long Vĩnh Đồ đã cảnh báo Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ cô lập mình khỏi trật tự kinh tế toàn cầu mới khi nhiều quốc gia trên thế giới hành động theo Mỹ, chỉ trích Trung Quốc về việc xử lý COVID-19. Đặc biệt giữa lúc Tổng thống Trump đang thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp của các lãnh đạo G7, biến động tại Hong Kong sẽ khiến Trung Quốc càng khó gần lại
châu Âu.

MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết