24/03/2018 - 07:22

EU triệu hồi đại sứ tại Nga trong vụ điệp viên Skripal 

Hôm qua 23-3, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý triệu hồi đại sứ của họ tại Mát-xcơ-va về Brussels để tham vấn, bước đi thể hiện sự ủng hộ Anh trong việc đổ lỗi Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang hồi đầu tháng này.

Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề hội nghị hôm 22-3. Ảnh: BBC
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề hội nghị hôm 22-3. Ảnh: BBC

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã tận dụng Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels để thuyết phục các đồng minh EU đoàn kết trong việc lên án Điện Kremlin về vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở xứ sương mù, khiến hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal đến nay vẫn còn hôn mê. Khi đó, nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của phản ứng chung trong khối cũng như vạch ra những lý do mà Luân Đôn tin rằng Mát-xcơ-va đứng sau vụ tấn công, bao gồm loại chất độc đã sử dụng (chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok từng được Liên Xô phát triển) và tình báo cho hay Nga sản xuất nó trong vòng 10 năm qua. Chủ nhân tòa nhà Số 10 phố Downing còn cho rằng vụ tấn công trên là “một phần của hành vi hung hăng của Nga” và cảnh báo Mát-xcơ-va sẽ là mối đe dọa “trong những năm tới”. Kết quả là bà May đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của 27 quốc gia thành viên khi EU thống nhất quan điểm của Luân Đôn rằng “có nhiều khả năng Nga chịu trách nhiệm” trong vụ tấn công Skripal - điều mà Hội đồng châu Âu cũng đồng tình. Nhà lãnh đạo Anh có thêm lý do để hài lòng là Brussels cũng quyết định triệu hồi đại sứ EU tại Nga để trao đổi. Được biết, nhà ngoại giao Đức Markus Ederer hiện là người đứng đầu phái đoàn EU tại xứ bạch dương.

Theo một quan chức EU, một số quốc gia thậm chí đang cân nhắc nối gót Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc triệu hồi các nhà ngoại giao của họ, bao gồm Pháp, Ba Lan, CH Czech, Estonia, Latvia và Litva. Đây được xem là sự hợp sức nhằm “xóa sổ” mạng lưới tình báo của Nga tại châu Âu sau khi Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga mà họ cho là gián điệp. Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn vạch ra viễn cảnh về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga để phản ứng vụ tấn công cựu điệp viên.

Hãng tin Reuters cho rằng việc các quốc gia EU ủng hộ Anh nhiều khả năng sẽ mở đường cho hành động tiếp theo đối với Nga. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết trong vài ngày tới hoặc vài tuần tới, EU sẽ đánh giá những bước đi hợp lý tiếp theo, nhưng “bất cứ biện pháp nào đều phải tăng giá trị cho tuyên bố chính trị mạnh mẽ hôm nay”.

 Về phần mình, từ đầu Nga đã cực lực phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công ông Skripal và chỉ trích cuộc điều tra của Anh vể vụ việc này.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết