25/05/2012 - 16:05

EU “treo” số phận Hy Lạp ở Eurozone

Bà Merkel (giữa) trong cuộc trò chuyện căng thẳng với ông Hollande bên lề hội nghị EU.
Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 6 tiếng đồng hồ đêm 23 và rạng sáng 24-5 của Liên minh châu Âu (EU) đã không thể đạt được sự đồng thuận cấp bách về vấn đề trái phiếu chung của Khu vực đồng euro (Eurozone), biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả số phận của Hy Lạp tại khu vực này.

Cuộc họp thượng đỉnh của EU vừa qua chứng kiến cuộc đối đầu giữa nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande. “Bà đầm thép” của nước Đức kịch liệt phản đối trái phiếu euro vì cho rằng nó không nằm trong quy định hiện hành của EU, đồng thời cũng vi phạm Hiến pháp của nước này. Bà Merkel còn giải thích rõ việc phải chia sẻ trách nhiệm nợ trong Eurozone là điều “không thể chấp nhận được”. Trước tình hình căng thẳng, Tổng thống Hollande tuyên bố Paris hy vọng kiến nghị này cần có thêm thời gian bàn thảo. Ông chủ Điện Élysée cũng đề nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường nguồn quỹ cứu trợ và trực tiếp tái cấp vốn cho các ngân hàng ở châu Âu, nhưng Thủ tướng Đức một lần nữa cực lực bác bỏ, cho rằng cả hai hình thức hỗ trợ tài chính ấy đều trái quy định của EU.

Trong lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm, các nhà lãnh đạo EU đồng ý mở rộng quỹ phát triển, tăng nguồn tài chính trợ doanh nghiệp, phát hành thêm “trái phiếu dự án” để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, báo Anh Guardian cho biết EU không đưa ra được thỏa thuận cuối cùng cho việc huy động vốn bao nhiêu và như thế nào cho quỹ thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, các nhà kinh tế và giới phân tích đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng “một loạt những biện pháp nhỏ nhoi hỗ trợ cho các dự án tăng trưởng đó chỉ là một hình thức lấy lòng công chúng, chứ không thể mang lại hiệu quả đáng mong đợi”.

Liên quan đến vấn đề “thắt hầu bao” của Hy Lạp và một số nước đang gánh nặng nợ công, một số cường quốc kinh tế tuyên bố sẵn sàng giảm sức ép để các nước này có thêm thời gian giải quyết. Tuy nhiên, tuyên bố chung của hội nghị yêu cầu Athens phải tôn trọng các cam kết cắt giảm chi tiêu để đổi lấy các khoản vay của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, mọi quyết định chế tài đối với chính quyền Hy Lạp phải chờ đến kết quả cuộc bầu cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 17-6 tới.

Dư luận lo ngại phe chống đối “liều thuốc đắng” của EU/IMF có thể chiến thắng và khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone khi ấy sẽ rất lớn.

ĐỨC TRUNG (Theo Guardian, AP, Reuters)

Bà Merkel (giữa) trong cuộc trò chuyện căng thẳng với ông Hollande bên lề hội nghị EU. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết