11/02/2019 - 09:24

EU gặp “hạn” ! 

“Có một nơi đặc biệt dưới địa ngục cho những người ủng hộ Brexit không thỏa thuận”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuần rồi đã bức xúc viết như vậy trên Twitter trong bối cảnh theo kế hoạch Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-3 tới nhưng đến giờ mọi chuyện vẫn rối bời.

Tổng thống Pháp Macron (giữa) cùng hai phó thủ tướng Ý Salvini (trái) và Di Maio. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Macron (giữa) cùng hai phó thủ tướng Ý Salvini (trái) và Di Maio. Ảnh: AFP

Nhưng đâu chỉ có Brexit, EU còn đang chứng kiến sự chia rẽ giữa các thành viên chủ chốt từng sáng lập ra khối gồm 28 quốc gia này. Paris mới đây đã triệu hồi đại sứ tại Rome về nước để phản đối việc hai phó thủ tướng Ý là Luigi Di Maio và Matteo Salvini liên tiếp công kích Tổng thống Emmanuel Macron cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp. Cụ thể, ông Di Maio hôm 5-2 đã gặp gỡ đại diện phong trào biểu tình “Áo vàng” ở ngoại ô thủ đô Paris với danh nghĩa là chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới, nhưng Chính phủ Pháp cho rằng đây là “sự khiêu khích không thể chấp nhận” và là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Trước đó, ông Di Maio từng chỉ trích chính sách của Pháp làm nghèo dân châu Phi, còn ông Salvini thì nhằm trực tiếp vào Tổng thống Macron khi bày tỏ hy vọng cử tri Pháp sớm thoát khỏi “vị tổng thống khủng khiếp”. Hai nhân vật dân túy và cực hữu này thậm chí còn tuyên bố ủng hộ người biểu tình “Áo vàng”, lực lượng đã gây náo động đất nước hình lục giác suốt 3 tháng qua.

Theo báo Guardian, đây là lần đầu tiên xảy ra việc triệu hồi đại sứ giữa hai nước kể từ khi phát xít Ý tuyên chiến với Pháp tháng 6-1940 trong Thế chiến thứ hai.

Quan hệ giữa Đức với một số thành viên khác trong khối cũng gặp trắc trở xung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỉ USD, khi hoàn thành mỗi năm sẽ đưa 55 tỉ mét khối khí đốt từ Nga thông qua Biển Baltic đến Đức mà không quá cảnh Ukraine. Ukraine (nước vừa thông qua việc sửa đổi hiến pháp để gia nhập EU), Latvia, Litva và Ba Lan phản đối dự án này vì cho rằng nó mang màu sắc chính trị. Nghị viện châu Âu cũng ra nghị quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 với lý do dự án đe dọa an ninh năng lượng châu Âu. Pháp ban đầu cản trở dự án do lo ngại Berlin sẽ lệ thuộc vào Mát-xcơ-va, nhưng cuối cùng phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron đã quyết định không xuất hiện cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị An ninh Munich như kế hoạch trước đó.

Chưa hết, EU còn đang đau đầu với hai thành viên tương đối mới ở Trung Âu là Ba Lan và Hungary, vốn thường xuyên chống đối các chủ trương của khối, nhất là trong vấn đề người nhập cư. Thật sự EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người nhập cư và nhiều đảng dân túy, cực hữu đã lợi dụng điều này để giành ghế trong các cuộc bầu cử quốc gia cũng như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.

Trong khi đó, đương kim chủ tịch luân phiên của EU là Romania, quốc gia gần đây không ít lần công khai chỉ trích Brussels đối xử với họ như “thành viên hạng hai” chỉ vì  xuất thân Đông Âu.

Sau 62 năm tồn tại và phát triển, EU đang đứng trước những thách thức mà muốn giải quyết cần phải có sự đồng lòng - điều họ rất thiếu trong thời điểm hiện nay.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết