26/10/2009 - 08:24

EAC và tham vọng của các nước lớn

Thủ tướng Nhật Hatoyama (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thái Lan ngày 24-10.
Ảnh: Reuters

Tại hội nghị cấp cao ASEAN và các nước đối tác ở Thái Lan cuối tuần rồi, đề xuất của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama về việc thành lập Cộng đồng Đông Á (EAC) theo mô hình Liên minh châu Âu (EU) để “lãnh đạo thế giới” đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ trong khu vực. Theo ông Hatoyama, EAC sẽ được xây dựng trên nền tảng quan hệ hiện có giữa 10 thành viên ASEAN cùng 6 đối tác khu vực là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật cũng làm bối rối các nhà lãnh đạo châu Á khi lần đầu tiên đề cập tới khả năng mời Mỹ tham gia EAC (Theo các nhà phân tích, động thái này nhằm làm giảm căng thẳng giữa Tokyo và Washington xung quanh kế hoạch di dời căn cứ không quân Mỹ Futenma trên đảo Okinawa của Nhật).

Thực ra, ông Hatoyama không phải là người đầu tiên nêu ý tưởng về EAC. Hồi đầu những năm 1990, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad đã đề nghị Đông Á nên thống nhất thành một cộng đồng để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, đồng thời nâng cao tính độc lập của mình. Cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi cũng từng vận động cho việc thành lập EAC. Tuy nhiên, sáng kiến trên sớm chìm vào quên lãng do điều kiện chưa chín muồi.

Theo tờ Atimes, hiện nay là thời điểm thuận lợi hơn cho việc thành lập EAC bởi qui mô kinh tế Đông Á đã lớn hơn, cũng như toàn cầu hóa buộc các nước trong khu vực phải hội nhập sâu hơn. Và ông Hatoyama quyết không bỏ lỡ cơ hội này.

Sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, xứ Phù Tang bị Mỹ chiếm đóng. Liên minh Mỹ-Nhật ra đời khi Chiến tranh lạnh bắt đầu và càng được củng cố bằng cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950. Như vậy, có thể nói từ năm 1945 đến nay, Nhật khó có thể được coi là quốc gia độc lập về chính trị và ngoại giao, mà các chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước này lệ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Nhưng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tầm quan trọng của Nhật đối với Mỹ đã giảm sút, trong lúc đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại thường xuyên lâm vào tình trạng trì trệ. Những năm gần đây, nhất là sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ càng tập trung nhiều hơn vào Trung Đông và cuộc chiến chống Al Qaeda-Taliban. Điều này khiến Nhật cảm thấy an ninh quốc gia của mình (đối với các mối đe dọa từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) không còn được Mỹ bảo đảm. Do vậy, Nhật đang tìm kiếm một quan hệ độc lập hơn với Mỹ và tăng cường ảnh hưởng ở Đông Á. Tokyo tin rằng là thành viên sáng lập và dẫn dắt EAC sẽ giúp họ làm được điều đó.

Trung Quốc cũng được lợi từ EAC. Một nước láng giềng Nhật độc lập hơn với Mỹ và một tổ chức khu vực mới như EAC đều phù hợp với chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh là hướng tới một thế giới đa cực. Một cộng đồng Đông Á hợp tác toàn diện sẽ là sự đảm bảo cho hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực- yếu tố cần thiết để Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế. Trung Quốc còn hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thành viên khác trong EAC nhằm giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Mỹ và EU. Mặt khác, với qui mô kinh tế của mình (GDP lớn thứ ba thế giới; đứng đầu thế giới về xuất khẩu và dự trữ ngoại hối...), Trung Quốc chắc chắn sẽ có vai trò chủ chốt trong EAC.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều suôn sẻ. Ngoài những khó khăn nội tại như bất đồng giữa các nước trong khu vực về lãnh thổ hoặc do các vấn đề lịch sử để lại..., việc hình thành EAC còn bị tác động từ bên ngoài. Tờ Atimes cho rằng Washington không dễ gì chấp nhận việc Tokyo hoàn toàn độc lập với mình, càng không chịu khoanh tay ngồi nhìn một tổ chức khu vực do các cường quốc Đông Á lãnh đạo. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á- Thái Bình Dương Kurt Campbell mới đây đã nói thẳng rằng Mỹ không thể bị loại khỏi EAC. Vấn đề là ngoài Nhật, các nước khác trong khu vực, nhất là Trung Quốc, có cam tâm để một quốc gia không thuộc châu Á tham gia EAC và dẫn dắt họ?

LÊ DÂN (Theo Atimes, Mainichi Daily)

Thủ tướng Nhật Hatoyama (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thái Lan ngày 24-10. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết