25/02/2020 - 09:20

E-Learning thời 4.0 

Giáo dục trực tuyến (còn gọi E-Learning) là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học. Đây còn là xu hướng tất yếu mà các trường phổ thông, đại học tại TP Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện, dù việc triển khai hình thức E-Learning vẫn còn không ít khó khăn…

Linh động thời gian, không gian

Từ 7 giờ ngày 21-2, tại nhà riêng (đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều), thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Châu Văn Liêm, bắt đầu lớp học trên máy tính. Thầy thường bắt đầu bài học bằng một trò chơi khởi động. Trên màn hình máy tính xuất hiện khung hình lớn (bài tập môn Hóa), một số khung hình nhỏ (hình ảnh học sinh). Thầy Tùng đưa vấn đề cần chú trọng trong bài học, đặt câu hỏi... Cùng thời gian tương tác với thầy Tùng, hai học sinh Nguyễn Ngọc Khánh Vân - La Kiều Phương, lớp 12D2, đang ở nhà riêng đường Mậu Thân, chăm chú nghe thầy giảng bài, hỏi những vấn đề chưa rõ trong bài học.

Tiết học trực tuyến môn Hóa học do thầy Nguyễn Thanh Tùng phụ trách.

Trong 40 phút của giờ học môn Hóa, dù không có bảng đen phấn trắng, thầy và trò tương tác qua không gian mạng, nhưng tiết học diễn ra lý thú. Khánh Vân cho biết: “Sau mỗi giờ học, thầy cho bài tập thêm, để em nhớ kiến thức lâu hơn”. Kiều Phương nói thêm: “Học online không khác nhiều với lớp chính khóa, dù nghỉ học nhưng em không sợ quên kiến thức. Ngoài thảo luận bài học với bạn, em còn nêu ý kiến của mình và hỏi thầy cô qua zalo”. Thầy Nguyễn Thanh Tùng là 1 trong 2 giáo viên tiên phong của Trường THPT Châu Văn Liêm ứng dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến. Thầy Tùng cho biết: “Có nhiều công cụ ứng dụng để dạy trực tuyến, nhưng tôi chọn Zoom Meeting kết hợp với Zoom clound meetings hay SHub Classroom (hỗ trợ tạo bài tập từ file bất kỳ mà không cần soạn thảo) để giảng dạy học sinh. Bởi ứng dụng này đơn giản, dễ sử dụng, tiếp cận nhanh và tương tác tốt, học sinh hứng thú”.

E-Learning hiện nay không chỉ phát triển ở bậc giáo dục phổ thông mà đang là xu hướng phát triển ở các trường đại học, cao đẳng. Tại Trường Đại học Cần Thơ, từ năm học 2006-2007, E-Learning được thử nghiệm triển khai thực hiện tại Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, đến nay đã lan tỏa ở các khoa khác, với nhiều hình thức tổ chức học đa dạng bằng phương tiện công nghệ thông tin. Tại Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, để tránh dịch COVID-19, sinh viên tạm nghỉ học liên tục 2-3 tuần; lãnh đạo khoa nhận định việc này ít nhiều ảnh hưởng tiến độ học tập, giảng viên khó dạy bù kịp chương trình học. Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ có chủ trương cho phép giảng viên linh động giảng dạy. Khoa lấy ý kiến giảng viên, sinh viên, rồi triển khai dạy thử nghiệm một số học phần lý thuyết theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, lãnh đạo khoa biên soạn file hướng dẫn sử dụng để thầy cô dễ áp dụng. Hiện khoa đã có 13 cán bộ tham gia”.

Hướng phát triển

Tại Cần Thơ, E-Learning không quá mới đối với các cơ sở giáo dục. Tùy mỗi đơn vị sẽ có cách thức tổ chức khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, sinh viên. Ví dụ như thông qua diễn đàn và nguồn tư liệu (bài giảng, các bài tập trắc nghiệm...) trên website ở các trường, học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu và tham gia bài tập nhóm. Thầy và trò không nhất thiết phải đến lớp nên thời gian không bị bó buộc và có thể dạy học mọi lúc, mọi nơi. Dù vậy, hình thức E-Learning vẫn có nhược điểm nhất định, như đòi hỏi tính tự học cao ở người học và sự tích cực, năng động của người thầy; người học và người dạy phải có thiết bị... 

Theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, lớp học trực tuyến giúp học sinh hứng thú, nhưng nếu sử dụng một phần mềm trong thời gian lâu, mắt của học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, giáo viên phải sử dụng thêm các phần mềm khác (như một số trò chơi) để tiết học đạt hiệu quả. Trường THPT Châu Văn Liêm có gần 1.600 học sinh, với 103 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Hiện nay, hơn 95% giáo viên, học sinh tham gia học trực tuyến; nội dung dạy và học nằm trong chương trình đã học. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho rằng: “Trong bối cảnh công nghệ 4.0, giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy. Trường tiếp tục khuyến khích 100% giáo viên tham gia các hình thức E-Learning”.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, do đặc thù của khoa, có nhiều học phần thực hành thực tập thí nghiệm, đòi hỏi sinh viên phải vào phòng thí nghiệm, nên các giảng viên đăng ký dạy trực tuyến chủ yếu ở học phần lý thuyết. Mặt khác, khi giảng dạy trên lớp, sinh viên không hiểu, giảng viên có thể vẽ minh họa trên bảng để diễn giải, trong khi dạy trực tuyến khó thực hiện. Để tiết học hiệu quả, đòi hỏi thầy cô soạn lại bài giảng cô đọng, dễ hiểu nên mất nhiều công sức. Thầy Hùng cho biết: “Để có đánh giá khách quan, tôi làm đường link đặt nhiều câu hỏi sinh viên tham gia lớp học. Một số em trả lời hiểu, không hiểu hoặc hiểu một phần. Tuy vậy, khoa sẽ tiếp tục phát triển đào tạo E-Learning. Bởi vì hình thức này dễ thực hiện, chỉ cần có máy tính, đường truyền internet tốt sẽ mang đến không gian học thuật tự do và năng động cho cả thầy và người học”.

*** 

Trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin, đa dạng hóa loại hình, hình thức đào tạo, nhu cầu dạy học trực tuyến ở các trường ngày càng cao. Điều quan trọng việc dạy và học trực tuyến sẽ rèn cho học sinh, sinh viên tinh thần tự học, kỹ năng học nhóm, phát huy khả năng sáng tạo tư duy trong học tập.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết