17/05/2009 - 21:05

Đường cát "hạ nhiệt"

Trong hơn 2 tháng qua, giá đường cát liên tục tăng và vượt qua mức 12.500 đồng/kg, làm nhiều người lo ngại giá đường sẽ lên cơn “sốt giá”. Tuy nhiên, trong gần 1 tuần qua, sự lo lắng này đã giảm khi giá đường cát không còn tiếp tục tăng thêm nữa. Với tình hình sức mua đang ở mức bình thường và thị trường đường cát trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh từ đường cát Thái Lan, giới kinh doanh dự đoán giá đường cát khó tăng thêm...

GIÁ ĐƯỜNG CÁT ĐÃ TĂNG MẠNH

Nhiều tiểu thương tại một số chợ ở TP Cần Thơ cho biết, họ đang mua vào nhiều loại đường cát với giá 10.300-11.350 đồng/kg (trong đó đường Thái Lan hạt nhuyễn khoảng 10.300 đồng/kg và đường hạt nhuyễn của các nhà máy tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 11.000 đồng/kg, hạt to 11.350 đồng/kg, tăng khoảng 1.000-1.650 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Gần đây, đường cát Thái Lan và đường trong nước cùng tăng giá. Giá mua vào tăng, nên nhiều tiểu thương cũng đã điều chỉnh giá bán lẻ nhiều loại đường cát từ 10.000-11.000 đồng/kg lên 11.000-12.500 đồng/kg...

Bán đường cát tại một cửa hàng ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CÔNG 

Riêng mặt hàng đường tinh luyện của Nhà máy đường Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt đầu tăng giá từ cuối tháng 3-2009. Tính chung, hiện giá đường cát Biên Hòa đã tăng khoảng 2.300 đồng/kg so với hồi tháng 3-2009. Tại TP Cần Thơ, giá đường RE của Nhà máy đường Biên Hòa phục vụ cho sản xuất đang được bán buôn ở mức 11.700 đồng/kg (dạng đóng bao 50kg); còn đường cát tinh luyện đóng gói dạng 1kg phục vụ tiêu dùng ở mức 12.500 đồng/gói...

Hiện nay, đang trong những tháng có nhu cầu sử dụng đường cát thấp, giá nhiều loại đường cát tăng là do hết vụ mía đường, nguồn cung đường trên thị trường giảm lại. Chị Lưu Huệ Hương, tiểu thương bán đường cát tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, cho biết: “Hằng năm, thường vào những tháng này giá đường cát có xu hướng tăng do ở trong nước hết vụ mía đường, còn ở Thái Lan cũng gần kết thúc vụ. Tuy nhiên, nguồn cung đường trên thị trường vẫn còn đang dồi dào. Hiện nay, đường cát tiêu thụ yếu, hơn 1 tháng nữa mới có khả năng sức mua tăng mạnh do các lò bánh bắt đầu sản xuất bánh mùa Trung thu”.

NGUỒN CUNG KHÔNG THIẾU

Cách nay khoảng 1 tháng, các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL đã kết thúc sản xuất niên vụ 2008-2009 và dự kiến đến tháng 9-2009 mới bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại niên vụ mới 2009-2010. Mặc dù ở ĐBSCL, nhiều nhà máy đã ngưng sản xuất, nhưng hiện nay không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường, do các công ty mía đường ở khu vực còn nguồn đường dự trữ và vẫn còn cung ứng đường cho thị trường, cho dù một số công ty đang đưa hàng ra thị trường có phần hạn chế hơn trước. Bên cạnh đó, giá đường Thái Lan đang “có mặt” ở ĐBSCL với số lượng tương đối lớn. Tại một số tỉnh vùng biên giới Tây Nam như: Kiên Giang, An Giang, giá đường cát Thái Lan được bán buôn chỉ ở mức khoảng 9.000- 10.000 đồng/kg.

Theo một số công ty mía đường ở ĐBSCL, trong tình hình đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường ĐBSCL, trong khi giá thấp hơn đường sản xuất trong nước 600-700 đồng/kg, nên đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ. Mặt khác, sức mua đường cát vẫn ở mức bình thường, thậm chí có phần yếu hơn so với vài tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, đã bước vào mùa mưa, nhu cầu đường cát để chế biến nước giải khát không còn nhiều như trước. Vì vậy, sau một thời gian tăng giá, trong mấy ngày qua giá đường đã chựng lại...

Trong niên vụ mía 2008-2009, lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt gần 1 triệu tấn, giảm gần 200.000 tấn so với niên vụ mía 2007-2008. Vụ 2008-2009, nhiều nhà máy đường trong nước thực tế công suất sản xuất thường đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do diện tích mía nguyên liệu giảm... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến lượng đường sản xuất trong niên vụ mía 2009-2010 đạt khoảng 1,3 triệu tấn đường, cộng với lượng đường nhập khẩu theo cam kết gia nhập WTO là 64.000 tấn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Giá đường vụ tới cũng sẽ giữ được mức ổn định. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các nhà máy đường cần vào vụ sớm hơn để bù lượng thiếu hụt của niên vụ mía 2008-2009. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức tốt việc phối hợp cùng các nhà máy trong tiêu thụ đường, điều tiết giữ thị trường ổn định, không tạo sốt giá gây khó khăn cho các ngành sản xuất khác và phòng chống đường lậu tràn vào...

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tiêu thụ trong nước từ ngày 1-4-2008 đến 31-3-2009 ước khoảng 1,09 triệu tấn, nếu điều phối tốt thì niên vụ mía 2008-2009 vẫn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu trong nước đến đầu tháng 9-2009, khi các nhà máy đường tại ĐBSCL bước vào sản xuất niên vụ mía 2009-2010...

VĂN CÔNG- ANH KHOA

Chia sẻ bài viết