Tham khảo chiến lược thu hút nhân tài của các công ty lớn trên thế giới thì thấy rằng vũ khí cạnh tranh đã vô cùng đa dạng.
Đâu là kế sách hay?
SAS, nhà sản xuất phần mềm phân tích thị trường lớn nhất nước Mỹ mời chào ứng viên bằng tính ổn định của công việc, các dịch vụ công ích như nhà trẻ, trường học dành cho con cái của các lập trình viên. Microsoft hấp dẫn các kỹ sư trẻ bằng một môi trường công tác sôi nổi, cạnh tranh, cơ hội thăng tiến. Trong khi đó Fedex lại chủ trương biến mỗi nhân viên của mình thành một nhà doanh nghiệp, có sự độc lập và tự chủ.
Tại Việt Nam, cũng đã có những dấu hiệu sôi động của một cuộc giành giật và giữ chân nhân tài, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các biện pháp tài chính.
Đầu năm nay Sacombank phát hành 3 triệu cố phần trị giá 30 tỉ đồng cho một số cán bộ điều hành cốt cán như một chính sách trọng dụng nhân tài. FPT cũng tự hào với chính sách giữ chân người giỏi bằng cổ phiếu. Cuộc khảo sát lương năm 2007 của Navigos Group trên hơn 150 công ty cho thấy tình hình trả lương của các doanh nghiệp Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể, mối tương quan giữa lương và năng lực đã ngày càng gần nhau hơn.
Vũ khí cạnh tranh là văn hoá công ty
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông chọn cho mình một vũ khí khác: văn hóa công ty, vì theo người đại diện của Tập đoàn này, nếu người ta đến với mình vì lương cao thì họ cũng sẽ ra đi khi nơi khác trả lương cao hơn.
“Văn hóa công ty là nét riêng có thể nhìn vào mà thấy. Mỗi cái góp một chút: đồng phục, lối nói năng, cử chỉ, và trên hết là tinh thần làm việc” chị Mai Thị Nga, nhân viên công ty nói.
Một trong những cái “nhìn vào mà thấy” đó là tôn chỉ: tất cả những người làm việc với công ty đều là khách hàng và phải được thỏa mãn theo cách bằng với hoặc tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Đến Viễn Đông có thể cảm nhận nét văn hóa doanh nghiệp ngay từ ngoài cửa: bất kể ai tới công ty đều được bảo vệ chào hỏi và dắt xe giúp.
Văn hóa công ty là chí tiến thủ. Các phong trào thi đua nhân viên xuất sắc liên tục được tổ chức hàng tháng, hàng quý. Sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho nhân viên là điều cần thiết. Dù lãnh đạo công ty có bận rộn đến mấy, nhưng trong buổi Lễ trao thưởng cho nhân viên xuất sắc thì không thể vắng mặt.
Và văn hóa ở trong bầu không khí thoải mái,vui tươi. “Nếu đi hát Karaoke chẳng hạn, thì tất cả là bạn bè,” bà Vi Hằng, Trợ lý Tổng giám đốc nói. Với trên 300 nhân viên, Viễn Đông là một gia đình lớn. Công ty có đội bóng đá nam, đội văn nghệ, có những buổi giao lưu, kể chuyện hài, thi nấu ăn, trình bày mâm cỗ đẹp.
Viễn Đông cho biết hầu như chưa có nhân viên nào tự ý xin thôi việc trừ một vài trường hợp tách ra thành lập công ty riêng.
“Viễn Đông có nhiều đối thủ cạnh tranh về nhân lực,” chị Nga nhận xét. Bản thân chị cũng được những công ty khác mời chào với mức lương hấp dẫn. “Có thể họ trả lương cao hơn nhưng để có một văn hóa công ty như ở Viễn Đông thì là rất khó,” chị giải thích. Và văn hóa công ty chính là yếu tố giữ chân người nhân viên này trong suốt 7 năm qua, kể từ khi tập đoàn Viễn Đông mới chỉ là một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thảo Linh
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu tư