Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 4 thế giới, nhưng Đức đang chật vật trước tình trạng vô gia cư ngày một gia tăng. Chính quyền Berlin có kế hoạch xóa bỏ vấn đề này vào năm 2030, nhưng giới chuyên môn cho rằng rất ít cơ hội thành công.
Vấn đề xã hội nghiêm trọng
Mỗi tuần một lần, Nhà thờ Tabor ở thủ đô Berlin mở một gian cà phê nơi người vô gia cư có thể đến ăn, uống và sử dụng nhà vệ sinh. Nhà thờ cũng cho phép mọi người ngủ bên trong vào những đêm mùa đông. Thường khu vực tiền sảnh chứa được khoảng 40 người, có lúc tới 60 người tá túc. Theo lời mục sư Sabine Albrecht, có người đã ngủ ở nhà thờ được 20 năm. Ngoài cấp thức ăn và chỗ ngủ, nhà thờ cũng để các bác sĩ tình nguyện chăm sóc hoặc điều trị bệnh cho người vô gia cư. Nhiều người trong số họ đến từ Đông Âu và đang thất nghiệp hoặc công việc không ổn định. Thậm chí có người nghiện ngập, từng trải qua bạo lực và mắc bệnh tâm thần.

Người vô gia cư ở Đức phải đối mặt với mùa đông lạnh lẽo.
Dựa trên số liệu đăng ký tại các cơ sở, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức ước tính cả nước có khoảng 372.000 người vô gia cư. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Hiệp hội Hỗ trợ Người vô gia cư Đức (BAG W) cho biết con số này vào năm 2022 đã lên tới 607.000 người và khoảng 50.000 người trong số đó phải sống vất vưởng trên đường phố.
Chìa khóa ngăn tình trạng vô gia cư
Giám đốc điều hành BAG W Werena Rosenke khẳng định, vô gia cư là vấn đề xã hội dài hạn. Trong đó, làn sóng di cư gia tăng khiến các nhà hoạch định chính sách mất cảnh giác những năm qua, cũng như cơn sốt của các nhà đầu tư bất động sản dẫn tới thiếu hụt trầm trọng nhà ở giá rẻ cùng với việc thiếu quy định và quy trình thực thi không đầy đủ về nhà ở đã góp phần gây ra vấn đề vô gia cư. Theo trang tin DW, tình trạng thiếu nhà ở và giá thuê tăng vọt tại thủ đô Berlin và khắp nước Đức đang khiến việc tìm kiếm và duy trì điều kiện sống ổn định trở nên khó khăn hơn.
Để giải quyết vấn đề, bà Rosenke cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu việc người dân mất nhà. Thống kê của chính phủ cho biết 57% người vô gia cư có quốc tịch Đức bị buộc phải ra đường sau khi chấm dứt hợp đồng cố định. Khoảng 25% những người ngủ ngoài đường là phụ nữ. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021, chính phủ liên minh của Đức muốn mở rộng đáng kể việc xây dựng nhà ở mới với trọng tâm chấm dứt tình trạng vô gia cư vào năm 2030. Trang DW cho biết, kế hoạch hành động quốc gia theo thỏa thuận giữa các đảng trong liên minh cầm quyền có thể được nội các thông qua vào đầu năm 2024, bao gồm mục tiêu mỗi năm cất mới 400.000 ngôi nhà với 100.000 căn trong đó dành cho phúc lợi xã hội hoặc nhà ở xã hội. Đối với cam kết này, bà Rosenke cho biết chính phủ còn cách xa vạch đích khi chỉ có khoảng 25.000 đơn vị nhà ở mới giá cả phải chăng được xây dựng những năm gần đây. Ngay cả xây đủ, đây vẫn là con số khiêm tốn và không thể giải quyết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ.
Trong bối cảnh này, người phát ngôn của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Ingrid Herden cho biết mục tiêu khắc phục tình trạng vô gia cư trong thập kỷ này chỉ có thể thành công khi có sự hợp tác ở mọi cấp độ. Hoan nghênh ý chí chính trị mới, các tổ chức phúc lợi xã hội trong lúc chờ kế hoạch đi vào triển khai thực tế đã kêu gọi các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ hơn dựa theo Hiến pháp, chẳng hạn kiểm soát tốt vấn đề tiền thuê nhà, bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị trục xuất và đơn giản hóa cách thức giúp người không có địa chỉ cố định được chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, theo bà Rosenke, cần đặt ra hạn ngạch nhà ở xã hội và giảm bớt tiêu chuẩn với đơn xin trợ cấp nhà ở của người vô gia cư. Thay vì các khoản trợ cấp mà người vô gia cư dựa vào để thuê nơi nghỉ tạm thời, người điều hành BAG W cho rằng chính quyền địa phương về lâu dài có thể tiết kiệm nhiều chi phí nếu tân trang lại chỗ ở khẩn cấp và chuyển đổi thành nhà ở xã hội; xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho người vô gia cư mua nhà từ chủ tư nhân cũng như các đơn vị trong ngành bất động sản.
MAI QUYÊN