04/05/2020 - 06:40

Đức cảnh báo hậu quả nếu vội vã dỡ bỏ giãn cách xã hội 

Thúc đẩy nghiên cứu vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo không nên dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay, bởi điều đó có thể phải đánh đổi bằng những thành tựu mà nước Đức đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19.

Người Đức giữ khoảng cách khi vào một siêu thị ở Berlin.

Trả lời phỏng vấn của báo FAZ (Toàn cảnh Frankfurt) ngày 2-5, Tổng thống Steinmeier đánh giá cao nỗ lực của chính phủ liên bang cũng như các bang trong việc cố gắng cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ người dân với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tổng thống Steinmeier cho rằng các biện pháp của chính phủ kết hợp với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật của dân chúng đã mang lại kết quả bước đầu khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể. Tuy nhiên, Tổng thống Đức cảnh báo hậu quả nếu dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp hạn chế hiện nay, nhấn mạnh rằng việc áp đặt các hạn chế còn dễ dàng hơn nhiều việc dỡ bỏ. Ông cũng bác bỏ ý tưởng đòi hỏi sự công bằng và nhất quán trong việc tìm ra một lối thoát chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vaccine phòng chống SARS-CoV-2 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu.

Tính tới chiều 3-5, thế giới ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm COVID-19 với gần 250 ngàn trường hợp tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, chiếm 1/3 số người nhiễm và hơn ¼ số người chết trên toàn cầu. Kế đến là Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Brazil, Iran, Trung Quốc.

Trước đó, Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà Merkel, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ. Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin sẽ nhận trách nhiệm cũng như đóng góp một khoản tài chính đáng kể cho việc phát triển vaccine, thuốc cũng như những lựa chọn chẩn đoán tốt nhất cho tất cả mọi người trên thế giới. Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ hoan nghênh khi không chỉ có các cơ quan chính phủ mà còn có các quỹ tài trợ tư nhân, các nhà sản xuất thuốc và điều chế vaccine cùng tham gia vào hoạt động này.

Trong diễn biến liên quan, giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vaccine phòng  SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vaccine vào sử dụng từ đầu tháng 1-2021.

Số vaccine trên được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vaccine chỉ trong thời gian tối đa 8 tháng.

Trong hai tuần tới, 14 loại vaccine này sẽ được tiến hành thử nghiệm thêm và giới chức y tế Mỹ hy vọng khoảng 6-8 loại trong số đó sẽ được lựa chọn cho vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vaccine lọt vào vòng thử nghiệm sau cùng trước khi được đưa vào sử dụng đầu năm tới.

Ngọc Biên

Chia sẻ bài viết