|
Các em học sinh tham gia trò chơi Bắt vịt. |
Cò chẹp, chuyền chuyền, pháo đất hay bắt vịt
là những trò chơi dân gian được nhiều thiếu nhi miền Nam yêu thích. Trong ngày hội “Trò chơi dân gian” do Nhà Thiếu nhi quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) tổ chức vào cuối tuần qua, các trò chơi mang đậm nét văn hóa này thu hút đông đảo học sinh nhiệt tình tham gia. Qua đó, giúp các em học sinh hiểu rõ và trân trọng hơn về những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc
Khuôn viên Nhà Thiếu nhi quận Thốt Nốt ngày giáp Tết rộn ràng hẳn lên với sự có mặt của hơn 350 học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận tham gia ngày hội “Trò chơi dân gian”. Trên gương mặt của từng em nhỏ hiện rõ sự phấn khởi, háo hức khi được thử tài các trò chơi gắn liền với tuổi thơ của mình, như: Cướp cờ, nhảy dây 5 - 10, nhảy bao bố, kéo co, chuyền chuyền, bắt vịt, pháo đất
Mở đầu ngày hội là trò chơi Cướp cờ và Nhảy dây 5-10 thu hút hàng chục em học sinh nhiệt tình tham gia. Náo nhiệt và gay cấn nhất là phần thi trò chơi nhảy dây 5-10 của 2 em: Nguyễn Văn Sĩ và Lê Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Trung Nhứt 2. Đã hơn 450 lần nhảy nhưng hai “cao thủ” vẫn chưa chịu dừng, khiến các bạn liên tục reo hò cổ vũ và liên tục tán thưởng bằng những tràng pháo tay rôm rả. Huỳnh Như chia sẻ: “Hơn một tuần qua, tranh thủ giờ ra chơi, em và bạn Sĩ đều tập luyện để đạt thành tích cao nhất. Trước giờ, em chỉ nhảy dây vui với bạn bè thôi, nay được đại diện trường đi thi và đạt giải Nhất em vui lắm
”. Được bố trí phía sau khuôn viên Nhà Thiếu nhi, phần thi Cò chẹp có phần khá yên tĩnh bởi trò chơi này đòi hỏi người tham gia phải khéo léo, điềm tĩnh để không bị ngã hoặc chạm vạch mức nếu không sẽ bị thua cuộc. Huỳnh Hữu Minh, học sinh lớp 8A1 Trường THCS Thuận Hưng, tỏ ra khá thành thạo khi chinh phục hầu hết các ô đầu tiên đến phần xây nhà tại ô cuối cùng. Minh còn hồ hởi chia sẻ bí quyết chinh phục môn Cò chẹp và giới thiệu cho các bạn biết về trò chơi này. Minh bộc bạch: “Em biết trò chơi này từ lúc 4 tuổi, thường chơi với bạn bè trong xóm. Em hy vọng trường cũng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích
”.
Hấp dẫn và thu hút nhiều người xem nhất là trò chơi pháo đất. Mỗi học sinh chuẩn bị một cục đất nặng 2,5kg và nặn sao cho giống hình cái chảo và văng xuống đất. Sản phẩm nào phát ra tiếng nổ càng to thì phần đáy sẽ bị bể với diện tích càng lớn. Tay lấm lem bùn, Trương Trần Tấn Đạt, học sinh lớp 9A6 Trường THCS Tân Lộc, nói: “Ở nhà ba mẹ không cho mấy em chơi trò này vì sợ dơ. Hay tin ngày hội có thi trò pháo đất là em đăng ký ngay. Em biết chơi trò này khoảng 3 năm nay”. Khác với Đạt, Vũ Đình Tấn - học sinh lớp 7A4, Trường THCS Thốt Nốt chưa từng biết đến trò chơi pháo đất, bởi cha mẹ Tấn đều làm nghề buôn bán. Cũng vì vậy, từ nhỏ Tấn quen với các trò chơi điện tử hơn là các trò chơi dân dã. Thế nhưng, sự mới lạ và hấp dẫn của trò chơi pháo đất khiến Tấn nhập cuộc cùng bạn bè sau vài phút phân vân. Tấn chia sẻ: “Nhìn thì dễ, nhưng để nặn đất thành hình cái chảo và phải nổ to khi văng xuống đất thì hơi khó. Nhưng khi phát ra tiếng nổ nghe thú vị và vui lắm!”.
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức ngày hội, anh Lê Trung Nghĩa, Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận Thốt Nốt, cho biết: “Xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin, nên các trò chơi dân gian Nam bộ dần bị lãng quên. Vì vậy, thông qua ngày hội “Trò chơi dân gian”, chúng tôi mong muốn góp phần để học sinh hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích”. Chẳng những vậy, đối với nhiều giáo viên - Tổng phụ trách Đội thì đây còn là dịp để học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các trò chơi dân gian, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đội ở cơ sở.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI