21/09/2020 - 12:15

Đua nhau mở căn cứ quân sự ở châu Phi 

Có thông tin cho rằng kể từ năm 2004, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã hoạt động ở Kenya, trong khi Cục Tình báo Hải ngoại Anh (MI6) đóng vai trò then chốt trong việc nhận dạng, theo dõi và xác định vị trí các mục tiêu ở châu Phi. Đây chỉ là một vài ví dụ trong số các hoạt động an ninh nước ngoài ở lục địa đen.

Lễ chào cờ tại căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: VOA

Ít nhất 13 cường quốc nước ngoài đang có sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Trong đó, đáng chú ý nhất là Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Sự hiện diện rầm rộ

Hiện Mỹ có 7.000 quân nhân luân phiên hoạt động ở châu Phi. Họ có mặt tại các tiền đồn quân sự trên khắp lục địa, như ở Uganda, Nam Sudan, Senegal, Niger, Gabon, Cameroon, Burkina Faso và Cộng hòa Congo, để chống lại các phần tử cực đoan ở châu Phi. Ngoài ra, 2.000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ huấn luyện tại 40 quốc gia châu Phi, trong khi lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở Kenya và Somalia.

Pháp có hơn 7.500 quân nhân làm nhiệm vụ tại châu Phi, chủ yếu là ở 5 nước khu vực Sahel (Mali, Mauritania, Niger, Burkina Faso và Chad).

Còn mới đây, tờ Bild (Ðức) trích dẫn báo cáo bí mật của Bộ Ngoại giao Ðức cho biết Nga đang xây dựng các căn cứ quân sự ở 6 nước châu Phi, gồm Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Eritrea, Madagascar, Mozambique và Sudan. Báo cáo cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin coi “châu Phi là ưu tiên hàng đầu” và các căn cứ này là một phần trong tham vọng châu Phi của Mát-xcơ-va. Theo báo cáo, kể từ năm 2015, Nga đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự với 21 quốc gia châu Phi.

Sự hiện diện rầm rộ của các lực lượng quân sự nước ngoài ở châu Phi không chỉ giới hạn ở Nga và phương Tây, bởi Trung Quốc cũng rất tích cực tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là từ năm 2008 khi Bắc Kinh tham gia sứ mệnh chống cướp biển đa quốc gia ở Vịnh Aden. Kể từ đó, Trung Quốc duy trì sự hiện diện của lực lượng hải quân chống cướp biển ở cả vùng Sừng châu Phi và Vịnh Aden.

Trong giai đoạn 2008-2018, Hải quân Trung Quốc triển khai 26.000 quân nhân tham gia các hoạt động an ninh hàng hải ở khu vực. Năm 2018, Trung Quốc đưa vào hoạt động căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, sau khi Mỹ thành lập Trại Lemonnier ở Djibouti hồi năm 2003. Theo tờ The Conversation, căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti rộng tới 36 héc-ta, là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ, đảm trách cung cấp khí tài quân sự cho tàu, trực thăng và máy bay. Nhiệm vụ của căn cứ này là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, thu thập thông tin tình báo các nước khác, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và chống khủng bố.

Các nước Ý, Tây Ban Nha, Ðức và Nhật Bản đều có căn cứ quân sự ở châu Phi. Ấn Ðộ là quốc gia châu Á khác góp mặt ở châu Phi. New Delhi thiết lập mạng lưới căn cứ quân sự trên khắp Ấn Ðộ Dương nhằm chống lại ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển thương mại khỏi nạn cướp biển. Hiện Ấn Ðộ có kế hoạch triển khai hệ thống giám sát ở vùng Sừng châu Phi và Madagascar, đồng thời dự định thiết lập 32 trạm giám sát radar ven biển ở Seychelles, Mauritius và nhiều nơi khác bên ngoài châu Phi.

Động cơ đằng sau

Vùng Sừng châu Phi được xem là tâm điểm của hoạt động quân sự nước ngoài ở châu Phi. Quân đội nước ngoài được triển khai đến đây chống lại các mối đe dọa đối với nền hòa bình thế giới, chống khủng bố, như nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabaab ở Ðông Phi hay các chiến binh thánh chiến ở Mali, chống cướp biển, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến an ninh nước ngoài.

Song, có nhiều động lực khác khiến các nước thiết lập căn cứ quân sự ở châu Phi, như bảo vệ lợi ích thương mại của chính mình, thể hiện sự thống trị tại một lục địa vốn là trọng tâm của cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Các căn cứ quân sự của Nga tại châu Phi là một phần trong tham vọng mới của nước này tại lục địa đen. Mục tiêu của Mát-xcơ-va không chỉ cạnh tranh với phương Tây mà còn cả với Trung Quốc. Nga hiện là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi khi kiểm soát đến 37,6% thị phần, bỏ xa Mỹ với 16%, Pháp 14% và Trung Quốc 9%.

Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi và Ấn Ðộ Dương gây lo ngại cho giới an ninh và chính trị Ấn Ðộ lẫn Nhật Bản.

Châu Phi hiện đang bất nhất về vấn đề quản lý các hoạt động quân sự và an ninh của nước ngoài, đồng thời phụ thuộc vào các nguồn lực gìn giữ hòa quốc tế. Ðây là cơ sở để các nước bên ngoài tìm mọi cách để tăng cưởng các hoạt động quân sự và tình báo tại đây.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết