03/03/2019 - 14:34

Du lịch châu Á bùng nổ “thách thức” hàng không giá rẻ 

“Sự bùng nổ” chưa từng có của ngành công nghiệp không khói châu Á đang tạo đà cho sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch nước ngoài của nhiều người. Tuy nhiên, xu thế này đang đứng trước lo ngại bị “bóp nghẹt” trước tình trạng thiếu hụt phi công.

Thiếu hụt phi công buộc nhiều hãng hàng không cắt giảm chuyến bay. Ảnh: AviationCV

Thiếu hụt phi công buộc nhiều hãng hàng không cắt giảm chuyến bay. Ảnh: AviationCV

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, giao thông toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới với mức tăng lớn nhất dự kiến ở châu Á - Thái Bình Dương. Thị trường du lịch khu vực này được dự đoán lớn hơn châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại với gần 4 tỉ hành khách. Cho đến năm 2037, tập đoàn Boeing dự báo châu Á cần thêm khoảng 16.930 máy bay và 261.000 phi công mới  - gấp đôi số lượng máy bay, phi công hiện nay.

Nhưng trong cảnh báo mới đây, Chủ tịch Trung tâm Hàng Không (CAPA) Peter Harbison cho biết một cuộc khủng hoảng thực sự đang sắp diễn ra khi tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng đẩy các hãng bay vào cuộc cạnh tranh tuyển dụng khốc liệt, đặc biệt đối với các hãng giá rẻ. “Nạn nhân” gần đây là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á IndiGo. Tháng rồi, hãng của Ấn Độ buộc phải trì hoãn hàng loạt chuyến bay mỗi ngày sau khi nhiều phi công dùng hết lượng giờ bay mỗi năm theo quy định sớm hơn dự kiến. Trong tháng này, hãng China Airlines Ltd. của Đài Loan đã ngăn một cuộc khủng hoảng tương tự sau khi chấp thuận yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc với chi phí gần 4 triệu USD/năm để giải quyết cuộc đình công của tổ bay. Ngay cả một số tập đoàn lớn như hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới Emirates hồi năm ngoái cũng cắt giảm nhiều chuyến bay do thiếu phi công. Hôm 26-2, hàng trăm hành khách đã bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Bahrain sau khi hãng Gulf Air hủy 5 chuyến bay trong nước và quốc tế do không đủ phi công.

Đại diện phát ngôn của hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc Jeju Air thừa nhận, tình trạng thiếu hụt phi công đã xuất hiện một thời gian nhưng ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Khó khăn chung cho các hãng hàng không giá rẻ mới ra đời chính là tuyển dụng đội ngũ phi công lành nghề, có kinh nghiệm, đáp ứng tốc độ mở rộng trong tương lai gần. Theo ông Harbison, Ấn Độ và Đông Nam Á là hai khu vực có thể đối mặt nguy cơ khan hiếm nghiêm trọng. Trong đó, 4 hãng hàng không gồm IndiGo, AirAsia (Malaysia), Lion Air (Indonesia) và VietJet Air của Việt Nam được dự đoán bị ảnh hưởng lớn nhất khi các hãng này thi nhau đặt mua hàng trăm máy bay, góp phần gia tăng thiếu hụt phi công.

Một trong giải pháp khả thi để giảm bớt khủng hoảng, theo ông Harbison là giảm số lượng từ 2 xuống 1 phi công đối với các chuyến bay ngắn. Ngoài ra, Chủ tịch hãng hàng không giá rẻ Swoop (Canada) Steven Greenway tiết lộ một số hãng bay do nhu cầu cấp thiết còn “lặng lẽ” cắt giảm số giờ tối thiểu cần thiết để phi công đủ điều kiện làm cơ trưởng. Trong khi đó, nhiều hãng hàng không quyết định thành lập các học viện đào tạo đội ngũ của riêng họ để tránh tình trạng bị “chèn ép”. Jeju Air, AirAsia, IndiGo và Lion Air là một trong những hãng châu Á đầu tư trường đào tạo.

Tháng 2-2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay

Thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê công bố sáng 28-2: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2-2019 ước tính đạt  hơn 1,58 triệu lượt người, tăng 5,8% so với tháng 1-2019. Tháng 2-2019 cũng là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay do nước ta đang vào mùa lễ hội đầu năm với nhiều sự kiện hấp dẫn thu hút du khách quốc tế.

Tính chung 2 tháng của năm 2019, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 5,5%; đường bộ tăng 29,5%; đường biển giảm 40,7%.

​Theo thống kê, trong 2 tháng của năm 2019, khách đến từ châu Á chiếm 75,2% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc giảm 1,3%  nhưng đây vẫn là thị trường có lượng khách quốc tế đến nước ta nhiều nhất. Khách đến từ Hàn Quốc  tăng 24,6%; Nhật Bản tăng 9,5%; Đài Loan tăng 27,1%; Malaysia tăng 5,3%; Thái Lan tăng 36,9%.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Du lịch châu Á