* Thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Nhiều ý kiến băn khoăn về chức danh kiến trúc sư trưởng
Sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nghe trình bày về hai dự án luật: Quy hoạch đô thị; Quản lý nợ khu vực công và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009.
Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị nêu rõ: thực tế phát triển đô thị ở nước ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện. Các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc. Kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc... Việc ra đời của Luật quy hoạch đô thị là bước pháp điển hóa quan trọng, nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở nước ta hiện nay... Dự thảo Luật quy hoạch đô thị bao gồm 7 chương, 81 điều.
Tờ trình dựa thảo Luật Quản lý nợ khu vực công đánh giá việc ban hành Luật quản lý nợ công trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cao và thống nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, luật hóa và thống nhất các qui phạm pháp luật hiện hành về nợ công để đảm bảo huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước... Luật bao gồm 8 Chương, 55 Điều.
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật; cho ý kiến: 09 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII trình Quốc hội thông qua 13 dự án luật; cho ý kiến:13 dự án luật. Các dự án pháp lệnh gồm: Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Các dự án pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 chưa được thông qua. Chương trình chuẩn bị của Quốc hội gồm 18 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật công đoàn (sửa đổi). Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII để các cơ quan hữu quan có căn cứ triển khai việc chuẩn bị dự án.
Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 trong số 3 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm để đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009.
Ngoài những nội dung trên, nhiều ý kiến đề nghị giám sát về Việc thực hiện di dân, tái định cư các công trình trọng điểm quốc gia; Tổ chức và thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ công an, Thanh tra Chính phủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là những vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm; xét về mức độ, phạm vi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ đưa những nội dung này vào chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2009 nên không đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội.
* Chiều 22-10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XII, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị (Luật QHĐT).
Ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đắk Lắk, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hòa Bình đều tán thành và cho rằng việc ban hành Luật QHĐT là cần thiết, là vấn đề cấp bách, nhất là đối với các thành phố lớn. Ông Phạm Quý Tỵ (Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH) nêu ý kiến: Quy hoạch đô thị là vấn đề mang tính chiến lược rõ ràng, không phải là việc của ngày hôm nay mà còn cho hàng chục năm sau nên Luật QHĐT phải là văn bản luật mang tính chiến lược. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nhấn mạnh: Đây là Luật mới, cần có quy trình trưng cầu dân ý rộng rãi vì tốc độ đô thị hóa Việt Nam nhanh, chúng ta đang rất rối về mặt quy hoạch đô thị. Bà Trần Thị Quốc Khánh (UB KHCN và Môi trường QH) cho rằng chúng ta nên có Luật về quy hoạch sử dụng đất trước khi làm Luật về QHĐT, vì nếu có Luật QHĐT rồi mới có luật kia thì chúng ta đang làm ngược, như vậy tới đây sẽ gặp nhiều bất cập và lại phải sửa đổi.
Một vấn đề khác trong dự án luật QHĐT được nhiều đại biểu quan tâm là việc phân cấp tổ chức lập QHĐT và phân loại đô thị. Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền nêu quan điểm là ở đô thị nào thì nên để cho chính quyền, UBND đô thị đó chủ động lập quy hoạch vì liên quan đến phát triển KT-XH của đô thị và cả những vùng lân cận; thực tế cho thấy không ai hiểu quy hoạch bằng chính địa phương đó. Bộ Xây dựng sẽ lập quy hoạch ở những đô thị đặc biệt hoặc vùng nào do Chính phủ giao.
Nhiều đại biểu QH nêu lên băn khoăn về việc tồn tại chức danh KTST, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Sở Quy hoạch kiến trúc. Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền nêu rõ những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến thắc mắc vai trò của KTST là thế nào, ngang bằng hay ở trên các Sở. Trong cơ chế như hiện nay, có người cho rằng đã qua hết các Sở rồi có cần qua KTST nữa hay không, liệu có xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực nên đề nghị không cần có KTST. Là đơn vị thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị nên có KTST và Nhà nước cần có quy định rõ ràng, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ của chức danh này. Quy hoạch thường kéo dài 20 30 năm, cần có KTST để theo dõi quy hoạch trong suốt thời gian, hình thành và duy trì từ đầu đến cuối ý tưởng quy hoạch, không bị xáo trộn trong quá trình thực hiện. Nhưng để không chồng chéo với các Sở chuyên ngành thì cần có qui định cụ thể về KTST. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đưa ra câu hỏi KTST là một người hay là một bộ máy? Nếu là một người thì ai? Ông Đào không đồng tình với KTST mà có ý kiến nên chọn người đứng đầu về quy hoạch đô thị, giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc là người chịu trách nhiệm trước chính quyền, nhân dân về quy hoạch. Các đại biểu Nguyễn Tiến Dĩnh, Ngô Anh Dũng ( Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm nên bỏ KTST.
QUỲNH HOA - THU HƯƠNG (TTXVN)