04/09/2020 - 19:36

Dự án Nord Stream 2 gặp khó? 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải chịu sức ép lớn trong nước về việc ngừng ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) sau vụ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc.

 Ông Navalny hô hào trong một cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Nga. Ảnh: CNN

 Ông Navalny hô hào trong một cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Nga. Ảnh: CNN

Nord Stream 2 là dự án hợp tác giữa Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom và các công ty châu Âu. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Ðức, với tổng chiều dài 1.230km, hiện đã hoàn thành được hơn 90%. Công trình trị giá hơn 10 tỉ USD này dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức vận chuyển lượng khí tự nhiên từ xứ bạch dương tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chính phủ Ðức lâu nay bảo vệ Nord Stream 2, coi đây là dự án thiết yếu đối với nhu cầu năng lượng của nước này. Hôm 1-9, Thủ tướng Merkel còn tái khẳng định quyết tâm hoàn thành Nord Stream 2 của Chính phủ Ðức. Tuy nhiên, vụ đầu độc ông Navalny đã làm phức tạp thêm nỗ lực của bà trong việc giữ cho vấn đề chính trị không dính dáng đến dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên này.

Bằng chứng là mới đây đảng Xanh đã kêu gọi Thủ tướng Merkel dùng Nord Stream 2 để gây sức ép buộc Ðiện Kremlin giải thích về những cáo buộc nói ông Navalny đã bị “bịt miệng” bằng chất độc thần kinh Novichok. Ngay cả trong nội bộ liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel cũng lên tiếng. “Sau vụ đầu độc Navalny, châu Âu cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ để Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu rằng Liên minh châu Âu sẽ quyết định ngừng dự án Nord Stream 2” - Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Ðức và là ứng viên cho chức Chủ tịch CDU, nhấn mạnh hôm 3-9. Ðáp lại, Nga mô tả những lời kêu gọi từ giới nghị sĩ Ðức là cảm tính và không liên quan vụ Navalny. Trước đó, Ngoại trưởng Ðức Heiko Maas đã yêu cầu Nga tiến hành điều tra, đồng thời lưu ý rằng kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy ông Navalny trúng chất độc Novichok.

Navalny, 44 tuổi, được đưa đến Ðức để điều trị hôm 22-8, sau khi uống một tách trà rồi ngã quỵ trên chuyến bay nội địa của Nga và các bác sĩ tại Siberia khẳng định không phát hiện chất độc trong máu bệnh nhân. Hai nhà khoa học Nga Leonid Rink và Vladimir Uglev, được cho từng tham gia chế tạo Novichok, đã bác bỏ cáo buộc của Berlin vì chất độc này có khả năng gây tử vong cao và còn lây lan sang nhiều người từng tiếp xúc với Navalny. Mát-xcơ-va nhấn mạnh không thấy có căn cứ phải chịu cấm vận về chuyện Navalny, giữa lúc lãnh đạo các nước phương Tây đồng loạt lên án vụ đầu độc cũng như yêu cầu mở cuộc điều tra minh bạch. Bệnh viện ở thủ đô Berlin thông báo tình trạng ông Navalny đã cải thiện, nhưng cần thời gian dài để hồi phục. Hiện lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga vẫn phải thở máy và chăm sóc đặc biệt.

Vụ việc trên gợi nhớ đến nghi án cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc bởi Novichok năm 2018. Ông và con gái được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch ở thị trấn Salisbury (Anh) nhưng vẫn sống sót. Nga cũng nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ tấn công cha con Skripal. Sự việc này đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây trong thời gian dài. Ðược biết, quân đội Liên Xô từng phát triển chất độc thần kinh chết người Novichok trong thập niên 1970 và 1980.

Ngày 4-9, Hãng tin RIA cho biết Ủy ban Điều tra của Nga yêu cầu một trong những cơ quan trực thuộc của họ tại Siberia tiến hành điều tra theo hướng ai đó đã tìm cách mưu sát ông Navalny. Nga đã không mở cuộc điều tra hình sự với lý do chưa có bằng chứng về hành vi phạm tội.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nord Stream 2