18/06/2020 - 06:16

Đồng hành vượt khó cùng startup 

Dưới tác động của dịch COVID-19, hoạt động khởi nghiệp của TP Cần Thơ bị ảnh hưởng nặng nề. Các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp: đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; quảng bá, xây dựng thương hiệu; thương mại hóa sản phẩm; kết nối nhà đầu tư… bị ngưng trệ một khoảng thời gian khá dài. Với tinh thần “Cùng nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, TP Cần Thơ đang nỗ lực, động viên các startup vực dậy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, sôi động trở lại.

Khởi động lại

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do thành phố tổ chức.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tháng 5-2020, TP Cần Thơ ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 67 doanh nghiệp (DN) các loại hình, với tổng vốn đăng ký 341,7 tỉ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 506 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký trên 2.718 tỉ đồng, đạt hơn 31,6% kế hoạch về số DN và đạt 21,74% kế hoạch về số vốn đăng ký; bằng 86,49% về số DN và bằng 49,97% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, mặc dù COVID-19 đã được đẩy lùi nhưng hoạt động phát triển DN của thành phố nói chung và khởi nghiệp nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề.

Để thúc đẩy, vực dậy phong trào khởi nghiệp, UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản về việc tạo điều kiện cho DN hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Cần Thơ. UBND thành phố yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm đầu mối kết nối với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thiết thực cho các DN khởi nghiệp sáng tạo. UBND TP Cần Thơ đề nghị các sở ngành hữu quan, các quận, huyện tổ chức truyền thông, phổ biến các nội dung về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; phân công cán bộ đầu mối làm nhiệm vụ phối hợp, triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN, Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động hỗ trợ các startup sẽ được chúng tôi khởi động lại. Trước mắt, Trung tâm tiến hành cuộc khảo sát để đánh giá thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức startup, Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… cũng sẽ nhanh chóng được nối lại”.

Trợ lực

Đạt giải nhì tại Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp vùng ĐBSCL năm 2019 với dòng sản phẩm sữa bí đỏ, anh Phạm Chí Tín, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Vạn Tín Organics, có nhiều dự định phát triển và quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, do mới khởi nghiệp, nội lực còn yếu lại chịu tác động từ dịch COVID-19, các dự định của công ty gần như bị “đóng băng” lại. “Để duy trì hoạt động, tích lũy nguồn vốn, công ty chọn cách gia công sữa bí đỏ cho một số đơn vị có nhu cầu. Nhờ cách làm này, công ty vẫn trụ được cho đến nay. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung cho dòng sữa bí đỏ, tiến tới đa dạng hóa sản phẩm từ bí đỏ và xây dựng chuỗi bán hàng trên địa bàn thành phố”- anh Phạm Chí Tín nói. Theo anh Phạm Chí Tín, quá trình khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại và họ rất cần người dẫn dắt, định hướng. Vì vậy, thành phố nên sớm hình thành mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, Câu lạc bộ các nhà đầu tư, Quỹ Đầu tư mạo hiểm… để hỗ trợ kịp thời cho startup.

Ông Viên Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ, cho rằng, các startup nên chọn lựa khởi nghiệp từ những sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng đặc biệt của địa phương. Nghĩa là các sản phẩm này có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Đó là cơ hội để những người trẻ có thêm điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị cho nông sản, đặc sản giúp người nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm khi được chế biến sâu. Thời gian qua, chúng ta có một số sản phẩm khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương thành công có thể kể đến: cá thát lát Phạm Nghĩa, rượu mận Sáu Tia… Từ những sản phẩm khởi nghiệp này, chúng ta có thể nâng tầm để xây dựng, phát triển thành thương hiệu sản phẩm địa phương của TP Cần Thơ.

Các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã cơ bản hoàn thiện. Điển hình như: Sở KH&CN đưa vào vận hành thí điểm mô hình không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Cantho Startup and Innovation Hub (CASTIHUB) trên cơ sở tận dụng hạ tầng hiện có của các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN; Tòa nhà BlockUp Cần Thơ hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 5-2019, với các phòng chức năng nhiều tiện ích có thể đáp ứng nhu cầu của cá nhân và DN; Không gian làm việc chung được quản lý bởi Up Green Life thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ; Không gian làm việc chung được quản lý bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ... Các không gian hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung nói trên là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động phát triển ý tưởng, kết nối sinh viên, DN, những dự án startup mới của thành phố cũng như các địa phương vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết