23/11/2012 - 15:42

Đồng chí Võ Văn Kiệt với công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2012), Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tướng, GS. TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về tư duy chỉ đạo chiến lược và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh,
Gia Lai năm 1996 - Ảnh: TTXVN

Cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt, mà tên gọi thân mật là anh Sáu Dân, gắn liền với các trang sử vẻ vang của dân tộc ta trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Với 86 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, ở Tây Nam Bộ, Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến khi giữ những cương vị trọng trách cao của Đảng và Nhà nước…, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm đầy gian khổ, hào hùng; với sự nghiệp đổi mới đầy chông gai, thử thách, nhưng rất đỗi vẻ vang và tự hào của Đảng và nhân dân ta.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, tình thương yêu đồng bào, đồng chí; luôn thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; "bám sát thực tiễn cách mạng, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước"(1).

Với tư duy mang tầm chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. "Tư tưởng đổi mới", "hành động đổi mới", cùng với bầu nhiệt huyết với đất nước và nhân dân của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước xuất sắc, một hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập"(2). Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với tầm "nhìn xa, trông rộng", Đồng chí luôn có những ý tưởng lớn, táo bạo trong chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước với động cơ trong sáng vì nước, vì dân. Thực tiễn đã chứng minh những quyết sách đúng đắn, mang tầm chiến lược của Đồng chí đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh.

Đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, một trong những quan điểm nhất quán trong tư duy chỉ đạo chiến lược của đồng chí Võ Văn Kiệt là phải giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phải xác định bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng Công an giữ trọng trách nặng nề. Đồng chí khẳng định: "Ngành Công an phải luôn luôn đảm bảo cho được sự ổn định về chính trị - xã hội, vượt qua mọi khó khăn để phát triển. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không bao giờ xao nhãng nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị mà càng phải làm cho ổn định chính trị vững chắc hơn. Đây là mục tiêu chung của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trọng trách nặng nề là của lực lượng Công an"(3).

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao vai trò của lực lượng Công an đối với sự nghiệp cách mạng: "Mỗi thắng lợi của cách mạng nước ta đều có đóng góp của lực lượng Công an nhân dân... Chúng ta phải quan tâm bảo vệ vững chắc chế độ chính trị và những thành quả cách mạng đã giành được. Công an nhân dân có vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sống còn này"(4).

Trong điều kiện đất nước ta đang tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới, thường xuyên tiếp cận cái mới, tranh thủ, chủ động nắm lấy cái mới. Với tầm bao quát, tư duy nhạy bén, sâu sát thực tiễn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những nhận xét, đánh giá và nhận định hết sức xác đáng về tình hình, công tác đảm bảo an ninh, trật tự: "Quan hệ của nước ta với các nước tiếp tục được mở rộng, đó là cơ hội để chúng ta nhanh chóng hội nhập với thế giới. Nhưng mở ra quan hệ với các nước, cũng có nhiều phức tạp, các thế lực thù địch sẽ có điều kiện để tác động "diễn biến hòa bình" sâu hơn, trực tiếp hơn vào nội bộ ta. Lối sống tư sản và các văn hóa ngoại lai độc hại sẽ du nhập vào nước ta cộng với những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường sẽ là một nguy cơ đối với sự ổn định chính trị, xã hội, nếu ta không đấu tranh quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên. Đây là vấn đề hai mặt, việc mở ra là một yêu cầu của đất nước, nhưng càng mở ra, càng hội nhập với các nước, thì đặt ra trách nhiệm của ngành Công an càng nặng nề thêm, càng phức tạp thêm"(5)

Từ nhận định ấy, Đồng chí đã chỉ đạo sâu sát, cụ thể từng lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm như: An ninh đối ngoại, an ninh nội bộ, an ninh trong tôn giáo, dân tộc… Đồng chí nhấn mạnh: "Đối với các đối tượng bất mãn chống đối trong nội bộ, phải cô lập số chống đối công khai trắng trợn, móc nối với bên ngoài, tác động chuyển hóa số đông có nhận thức sai lệch, thu hẹp diện chống đối. Đối với các tổ chức phản động lưu vong phải thúc đẩy sự phân hóa, vô hiệu hóa từng tổ chức, ngăn chặn sự móc nối của chúng với phản động trong nước, phát hiện, trừng trị kịp thời những hoạt động manh động phá hoại của chúng. Cho nên công tác an ninh phải phân tích mức độ các đối tượng để có đối sách thích hợp với từng loại đối tượng, phân hóa tranh thủ tối đa, thu hẹp diện xử lý pháp luật"(6). Trong đối sách với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, phải thận trọng, cương quyết, làm rõ đối tượng chủ mưu, cầm đầu với số bị lôi kéo, lừa bịp để có đối sách thích hợp. Có chính sách khoan hồng với những người ăn năn, hối cải, lập công chuộc tội. Những tư tưởng chỉ đạo đó của đồng chí Võ Văn Kiệt đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đối với nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đồng chí đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá, phân tích, dự báo để xử lý, tạo được sự chuyển biến, làm giảm tội phạm nói chung, ngăn chặn không để trọng án phát triển; trong đó, đặc biệt chú trọng phòng ngừa xã hội, thu hẹp, tiến tới từng bước xóa bỏ nguyên nhân nảy sinh tội phạm; phải giáo dục ngăn ngừa, quản lý đối tượng từ cơ sở, đây là vấn đề cơ bản, lâu dài, lực lượng Công an phải kiên trì và quyết tâm thực hiện.

Những năm sau đổi mới (1986), đi liền những mặt tích cực, tình trạng tham ô, tham nhũng, buôn lậu diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Bọn tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý kinh tế, chế độ, chính sách và hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ để rút tiền, tài sản của Nhà nước, làm giàu cho bản thân. Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: "Phải tổ chức thật tốt cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây đang là vấn đề bức bách của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Chính phủ đang khẩn trương chuẩn bị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về chống tham nhũng. Lực lượng Công an phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Cần củng cố lại tổ chức, bộ máy và tăng cường những cán bộ giỏi cho lĩnh vực phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng"(7).

Trước thực trạng hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, số vụ tai nạn do pháo gây ra làm chết nhiều người, thiệt hại nhiều tài sản cho Nhà nước, tổ chức và công dân, ngày 8-8-1994, đồng chí Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406/CT-TTg "Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo". Chỉ thị của đồng chí Võ Văn Kiệt đã được quần chúng đồng tình ủng hộ, dư luận thế giới đánh giá cao. Thực hiện Chỉ thị số 406/CT-TTg, lực lượng Công an đã  phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; tuyên truyền, giải thích vận động nhân dân không sản xuất, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo. Ở những địa phương có nghề sản xuất pháo, như Hà Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, vận động nhân dân bỏ nghề sản xuất pháo, chuyển sang nghề khác; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các ngành nghề thích hợp cho nhân dân. Do có những hoạt động tích cực, thường xuyên và ráo riết của lực lượng Công an, các bộ, ngành, địa phương, nên từ Tết Nguyên đán Ất Hợi năm 1995 đến nay, cả nước hầu như không có pháo nổ, nhưng không khí đón Tết, vui xuân của nhân dân vẫn rất vui vẻ, mọi nhà hạnh phúc vì không có tai nạn do pháo gây ra.

Một vấn đề mang tính chiến lược mà đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm, đó là vấn đề quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đối với việc quản lý  công dân Việt Nam và người nước ngoài đến Việt Nam, đồng chí chỉ rõ: "Chúng ta quản lý nhà nước, xã hội, quản lý toàn bộ đời sống, cư trú, tạm trú của mọi người, nhưng kết quả còn rất hạn chế, vì vậy, phải có các biện pháp quản lý cư trú, nhân khẩu, hộ khẩu để quản lý được công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam ở tất cả các vùng, các hang cùng ngõ hẻm"(8).

Trong công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, Đồng chí chỉ đạo: "Phải tổ chức các đợt tổng kiểm tra các kho vũ khí, vật liệu nổ, chấn chỉnh công tác bảo quản và bảo vệ. Phải tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, truy xét, xử lý nghiêm số trộm cắp, buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ. Tập trung điều tra, xử lý, ngăn chặn bọn dùng chất nổ để khủng bố, trả thù cá nhân"(9).

Trước tình trạng trật tự, an toàn giao thông nói chung, giao thông đô thị nói riêng phức tạp, gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thiệt hại lớn đến tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, ngày 29-5-1995, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thay mặt Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP "Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự giao thông đô thị"; "Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị" nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã có nhiều chủ trương, biện pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong ý thức chấp hành của nhân dân; tình trạng ùn tắc giao thông bước đầu giảm rõ rệt. Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, tình trạng đua xe trái phép tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra liên tiếp, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, làm bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 20-3-1996, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trực tiếp làm việc với Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống đua xe trái phép trên địa bàn Thủ đô. Tại buổi làm việc này, Đồng chí đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thành phố Hà Nội tăng cường các biện pháp chống đua xe trái phép trên các đường phố Hà Nội, nhất là khu vực Ba Đình và chỉ đạo "Không cho nhập, đăng ký những loại xe mô tô có kiểu dáng thể thao". Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí, lực lượng Công an đã tích cực ngăn chặn, bắt, xử lý kiên quyết những vụ đua xe trái phép, lập lại trật tự trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Thời kỳ này, tệ nạn xã hội phát triển ở nhiều nơi, nhất là ở các thành phố lớn, thị xã, khu vực đông dân cư, đặc biệt là tệ nạn mại dâm phát triển, làm xói mòn đạo đức xã hội, phá vỡ thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm lây lan đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng. Đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: "Cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, vấn đề truyền lan ấn phẩm độc hại là một trong những nguồn làm nảy sinh tội phạm. Lần này, ta kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này, sẽ được sự thống nhất ủng hộ của quần chúng, sẽ tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tội phạm"(10). Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống, bài trừ tệ nạn xã hội, ngày 12-12-1995, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thay mặt Chính phủ ban hành Nghị định số 87/CP về "Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng"; Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê, xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu"; "Quy định những biện pháp cấp bách bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng"; đồng thời, ban hành Chỉ thị số 814/Ct-TTg "Về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự, kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng".

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an đã phối hợp với ngành Văn hóa tăng cường công tác kiểm tra các nhà hàng, nhà nghỉ, quán bar, vũ trường nhằm phát hiện, ngăn chặn những hoạt động mại dâm, đồi trụy; hướng dẫn các chủ nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường viết cam kết không chứa chấp hoạt động mại dâm. Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Công an các thành phố, thị xã tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý các hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội có tổ chức. Tại các cửa khẩu, lực lượng Công an đã phối hợp với Hải quan tăng cường kiểm tra phát hiện các loại băng hình, ấn phẩm đồi trụy nhập lậu vào nước ta, tiến hành tịch thu, tiêu hủy, không cho lưu hành trong xã hội. Do triển khai tốt các mặt công tác nói trên, lực lượng Công an đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tệ nạn xã hội.

Để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Đồng chí nhắc nhở: "Phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, ra sức học tập và thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Giác ngộ chính trị của Công an nhân dân phải được thể hiện bằng sự hiểu biết sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tinh thông nghiệp vụ, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc pháp luật, kỷ cương, gương mẫu trong công tác, chiến đấu và trong đời sống của bản thân mình. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hãy luôn trau dồi cho mình phẩm chất, đạo đức trong sáng. Hãy luôn phấn đấu để xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân. Những hành vi tiêu cực trong Công an nhân dân phải được phê phán và xử lý nghiêm khắc. Những gương người tốt, việc tốt phải được tuyên dương kịp thời để mọi người học tập, noi theo"(11).

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đồng chí đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, khoa học, kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ công an: "Phải nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ công an; đổi mới trang bị, phương tiện, phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào công tác công an. Đồng thời, Công an cũng phải tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với An ninh, Cảnh sát các nước phối hợp với nhau trong đấu tranh chống tội phạm quốc tế"(12).

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt thấy rất rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; vì vậy, đồng chí luôn nhắc nhở lực lượng Công an nhân dân phải gắn bó mật thiết với nhân dân để tăng thêm sức mạnh của mình, đồng thời phải xây dựng và duy trì thật tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng chí nhấn mạnh: "Trong khi thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của Ngành, bên cạnh nhiệm vụ mang tính chất tác chiến, tôi mong tất cả cán bộ, chiến sĩ các đơn vị công an đặc biệt chú ý đến công tác dân vận, vận động giúp đỡ người dân chủ động tham gia vào việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự, an ninh, thực hiện nếp sống văn minh. Mỗi chiến sĩ công an cần làm tốt nhiệm vụ người cán bộ vận động chính trị và dân vận. Để làm được nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng này, trước hết các đồng chí cần thực hiện tốt Sáu lời dạy của Bác Hồ đối với Công an. Bản thân Công an chúng ta phải cố gắng xứng đáng với tên gọi dù thể hiện quyền lực nhưng vẫn thân thương đó là: Công an nhân dân"(13).

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo toàn diện công tác công an của đồng chí Võ Văn Kiệt, lực lượng Công an nhân dân đã ngày một lớn mạnh, trưởng thành, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xứng đáng là "thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện những mong muốn lúc sinh thời của Đồng chí: "Lực lượng Công an phải thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là công cụ, là "thanh bảo kiếm" của Đảng"(14).

Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2012), lực lượng Công an nhân dân trân trọng và biết ơn những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng, với cách mạng Việt Nam và với lực lượng Công an nhân dân.

Những chỉ đạo của Đồng chí đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được lực lượng Công an nhân dân phát huy trong các lĩnh vực công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kính trọng, học tập, rèn luyện và mãi mãi noi theo. Những hình ảnh của Đồng chí - người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu - sẽ mãi ở lại trong tâm trí nhân dân và lực lượng Công an nhân dân.

T.Đ.Q (Theo Chinhphu.vn)


(1) Trích Điếu văn do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt, ngày 15/6/2008.

(2) Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2011, tr.192.

(3) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (ngày 9-11/01/1995).

(4) Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm  Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/1995).

(5) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 51 (tháng 1/1996).

(6) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (tháng 1/1997).

(7) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (tháng 1/1997).

(8) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (tháng 1/1995).

(9) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 51 (tháng 1/1996).

(10) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 51 (tháng 1/1996).

(11) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (ngày 9-11/01/1995).

(12) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (tháng 1/1997).

(13) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (tháng 1/1995).

(14) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 52 (tháng 1/1997).

 

Chia sẻ bài viết