12/09/2012 - 22:03

Đông Bắc Á tiếp tục căng thẳng

Tàu tuần duyên của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhật Bản tuyên bố sẽ huy động lực lượng phòng vệ để đối phó với tàu tuần tra của Trung Quốc đang được điều tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Hàn Quốc tỏ rõ quyết tâm tăng cường sức mạnh tên lửa phòng thủ và tấn công để một mặt răn đe CHDCND Triều Tiên, mặt khác sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống có thể xảy ra trong tranh chấp lãnh hải căng thẳng với Nhật Bản.

Bầu không khí chính trị ở Nhật ngày càng nóng

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 12-9 ra thông cáo cho biết việc huy động lực lượng tuần duyên của nước này sẽ xảy ra khi tàu tuần tra của Chính phủ Trung Quốc có mặt, hoặc thậm chí ở gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát. Hiện tại, Tokyo chưa thể xác định được vị trí của hai tàu tuần tra mà Bắc Kinh khẳng định “đã đến xung quanh quần đảo Điếu Ngư sáng 11-9”.

Thật ra, theo Chính phủ Nhật Bản, việc chi ra hơn 26 triệu USD để quốc hữu hóa Senkaku là nhằm “duy trì hòa bình và ổn định” nếu quần đảo này vẫn được giữ nguyên hiện trạng trong bối cảnh Thị trưởng thành phố Tokyo Shintaro Ishihara cũng muốn mua các quần đảo đó để phát triển cơ sở hạ tầng. Sau khi Nội các Nhật thông qua kế hoạch mua Senkaku, ông Ishihara tuyên bố sẵn sàng chi trả 18 triệu USD từ tiền quyên góp của tư nhân để tiếp tục “đấu thầu” với chính phủ. Ông cho biết chỉ dừng kế hoạch này trừ khi chính quyền trung ương chấp nhận đề nghị xây dựng các cầu tàu và kết cấu hạ tầng khác cho ngư dân Nhật Bản tại Senkaku.

Giới phân tích chính trị cho rằng Thủ tướng Yoshihiko Noda đã phải nhanh chóng quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, vì sức ép chính trị từ Thị trưởng Tokyo đầy quyền lực theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, trong lúc uy tín của đảng Dân chủ cầm quyền đang sa sút nghiêm trọng trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 11 tới.

Hàn Quốc tăng cường sức mạnh tên lửa

Hiện cả Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang chuẩn bị quảng bá hình ảnh chủ quyền của mình đối với quần đảo Takeshima/Dokdo vốn đã căng thẳng từ sau chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Lee Myung-bak hồi tháng 8. Dư luận cho rằng hành động của ông Lee cũng vì cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới của đảng bảo thủ Thế giới Mới cầm quyền.

Hơn thế nữa, hôm 11-9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ chi 2,3 tỉ USD để mua hàng trăm tên lửa đạn đạo tự chế “Hyunmu-3” và một số loại vũ khí khác trong kế hoạch 5 năm tới. Tên lửa Hyunmu-3 sẽ có tầm bắn hơn 1.000km, so với 300km hiện nay của Hyunmu-2. Chính phủ xứ Kim chi cũng vừa cho biết kế hoạch phóng tên lửa đẩy tự chế đầu tiên “Naro-1”, hay còn gọi là “KSLV-1” lên vũ trụ vào ngày 26-10 sau hai lần thất bại hồi tháng 8-2009 và tháng 6-2010. Hôm 10-9, quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa dẫn đường tầm trung đất-đối-không do nước này tự nghiên cứu phát triển vào năm 2013. Tuy chỉ có tầm bắn xa khoảng 40km và ở độ cao 15km, nhưng loại tên lửa này có thể cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu nhờ một hệ thống radar phức hợp.

Hiện nay, theo thỏa thuận với đồng minh Mỹ, Hàn Quốc chỉ được phép giới hạn tầm bắn tên lửa 300km và lượng chất nổ của đầu đạn không hơn 500kg. Thế nhưng hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 12-9 cho biết, nhiều khả năng Mỹ sẽ chấp thuận nâng tầm bắn tên lửa của Seoul ít nhất 800km để bao phủ cả Bắc Triều Tiên. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank A. Rose hôm 10-9 còn nói rằng Hàn Quốc và các đồng minh khác có thể đóng góp lớn hơn nhằm giúp Mỹ tăng cường mạng lưới phòng thủ tên lửa khắp thế giới. Các thông tin này được công bố khi Mỹ-Hàn bắt đầu phiên Đối thoại hỗn hợp quốc phòng cấp thứ trưởng lần hai ngày 12 và 13-9 tại Seoul nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng giữa hai nước vào tháng 10, thời điểm có thể công bố những quyết định hợp tác quan trọng như vậy trong tương lai.

Chính trường Trung Quốc cũng sục sôi

Theo tờ Csmonitor của Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành đại hội lần thứ 18 vào tháng 10 mà tại đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thôi giữ chức Tổng Bí thư. Đây là kỳ đại hội hết sức quan trọng, bởi nó là bước ngoặc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mà một thập niên mới có một lần. Thời gian tới ngày đó không còn nhiều. Cả hệ thống trị, báo chí và dư luận Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11-9 cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Điếu Ngư chẳng khác nào một hành động “cướp đoạt” của Trung Quốc.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Mỹ xoa dịu những “cái đầu nóng”

Phát biểu trước Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington ngày 11-9, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell tuyên bố đối thoại hòa bình và duy trì an ninh luôn là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong tình hình hiện nay càng đòi hỏi phải có “những cái đầu lạnh” biết kiềm chế một cách chân tình. Ông cho rằng sự bình tĩnh là cấp thiết, bởi châu Á-Thái Bình Dương là “mũi lái của nền kinh tế toàn cầu”.


Chia sẻ bài viết