07/01/2018 - 15:36

Đổi mới hoạt động xúc tiến, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư 

Công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) nhằm kết nối giao thương tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương. TP Cần Thơ tuy không có nhiều vị thế thuận lợi như một số địa phương khác để thu hút đầu tư, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các lãnh đạo thành phố và những nỗ lực của các đơn vị sở, ngành, công tác XTĐT của thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mở rộng hoạt động xúc tiến 

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, năm 2017, TP Cần Thơ có 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư là 656,8 triệu USD, vốn thực hiện 422 triệu USD, chiếm khoảng 64,3% tổng vốn đầu tư. Trong công tác hoạt động XT ĐT, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá môi trường, chính sách đầu tư của thành phố được chú trọng thực hiện và cập nhật thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú thông qua các sự kiện XTĐT, phương tiện thông tin truyền thông, ấn phẩm, internet… Công tác XTĐT đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường và nâng cao kết quả thu hút đầu tư của thành phố. Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ đứng ở tốp tốt. Năm 2016 ở hạng 11/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động quảng bá sản phẩm rau an toàn của TP Cần Thơ tại hội nghị quảng bá thực phẩm an toàn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức.

Hoạt động quảng bá sản phẩm rau an toàn của TP Cần Thơ tại hội nghị quảng bá thực phẩm an toàn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức.

Theo định hướng XTĐT năm 2017, TP Cần Thơ tập trung vào một số thị trường, đối tác trọng điểm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc,... Thành phố đã tổ chức thành công 2 chuyến đi XTĐT tại Hàn Quốc, Nhật Bản, thành lập Tổ công tác Nhật Bản,... Trong năm, có 46 đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Cần Thơ tìm hiểu môi trường đầu tư, quan tâm một số dự án như: Dự án Trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp (Ý), Dự án Nông trang kiểu mẫu (Nhật Bản), Dự án trồng lúa sạch và rau quả chế biến xuất khẩu (trong nước), Dự án của Tập đoàn Sunrice... Công tác XTĐT tại chỗ cũng được quan tâm. Trong năm đã tổ chức được 2 cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Diễn đàn mang lại hiệu quả tích cực. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, từ đó các cơ quan nhà nước nắm bắt và tập trung xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc này, giúp các doanh nghiệp an tâm thực hiện các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác xúc tiến thương mại được thực hiện khá tốt, góp phần mở rộng phạm vi hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp của thành phố được quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nội địa. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 1.768,9 triệu USD, vượt 5,9% kế hoạch, tăng 13,9% so với năm 2016. Thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, lễ hội,... đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố. Năm 2017, thành phố thu hút khoảng 7,5 triệu lượt du khách, vượt 35% kế hoạch, tăng 41% so với năm 2016; đón và phục vụ 1,9 triệu lượt khách lưu trú, vượt 2,7% kế hoạch; doanh thu ước đạt 2.800 tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch, tăng 59% so với năm 2016. Các sự kiện được tổ chức tại Trung tâm có nhiều đổi mới so với năm 2016 cả về nội dung, quy mô lẫn hình thức tổ chức. Tại các kỳ hội chợ đã nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, Anh, Ý, Hoa Kỳ... Sự kết nối giao thương này đã tạo cơ hội để quảng bá về các doanh nghiệp TP Cần Thơ nói riêng và tiềm năng đầu tư của thành phố nói chung.

Chú trọng hiệu quả thu hút đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, cho rằng: Môi trường và cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư, nhất là số dự án vốn FDI có giá trị lớn, công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Hoạt động XTĐT trong và ngoài nước ngày càng được quan tâm nhưng kết quả thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Các cơ chế, chính sách về thuế, tiền thuê đất cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia các dự án. TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, không nằm trong danh mục các địa bàn được ưu đãi đầu tư theo quy định nên tiền thuê đất (hiện đang áp dụng từ 80 USD/m2 trở lên), khá cao so với các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang,... đã làm ảnh hưởng không nhỏ trong việc thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của cán bộ thực hiện công tác XTĐT còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, công tác còn thực hiện theo lối mòn, chưa bài bản, giao tiếp ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu, kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường còn hạn chế,...

Năm 2018, từ chủ đề năm của TP Cần Thơ là “Kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, công tác XTĐT, thương mại của thành phố tập trung vào các quốc gia trọng điểm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Đồng thời, khai thác và triển khai hành động cụ thể giữa các trung tâm xúc tiến trong cả nước, các văn phòng thường trực nước ngoài tại Việt Nam, đẩy mạnh thu hút các dự án quy mô lớn, như: Trung tâm Logistics, khu công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản Cần Thơ, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, quảng bá và kêu gọi đầu tư vào Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP). Tham gia các hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành và khu vực khác nhằm quảng bá tiềm năng kinh tế thương mại địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: Để đạt hiệu quả cao, trong công tác xúc tiến cần xác định rõ thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp và nguồn hàng chủ lực. Cần tìm kiếm các nhà đầu tư có nguồn tài chính mạnh. Kết hợp công tác xúc tiến với ngoại giao để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mối tương tác với các đối tác trên môi trường thương mại điện tử. Hạn chế những chuyến xúc tiến chung chung, đồng thời cần phải đổi mới nội dung xúc tiến. Giữa các sở, ngành cần có sự phối hợp chặt hơn nữa trong công tác XTĐT và chú trọng nâng trình độ, năng lực các cán bộ đang làm công tác này.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết