Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là CMCN 4.0). Cuộc cách mạng mà theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. ĐBSCL và cả nước chuẩn bị tâm thế như thế nào trước CMCN 4.0 này?
Ông Cao Phát Triển, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ khởi động hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái bằng điện thoại thông minh – một trong những phương thức của CMCN 4.0. Ảnh: M.HOA
CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội
Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, thuật ngữ “công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra ở Đức năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover - 4.0. CMCN 4.0 ra đời trong bối cảnh thế giới có nhiều điểm đặc thù.
Đó là: Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi căn bản mô hình phát triển của nhiều nước.
Nhiều nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ và phương Tây suy yếu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nước công nghiệp phát triển đứng trước sức ép rất lớn phải tái cơ cấu kinh tế để giành lại sản xuất và việc làm cũng như vị thế dẫn dắt trong các ngành công nghệ cao.
Trong bối cảnh này, già hóa dân số, lực lượng lao động giảm làm suy yếu tăng trưởng tiềm năng. Để duy trì sức cạnh tranh, buộc các nước phải đầu tư mạnh vào phát triển khoa học công nghệ nhằm bù đắp bất lợi về nhân khẩu học và thiếu hụt lao động. Chỉ có đột phá công nghệ mới có thể đạt mức năng suất đủ để giữ hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống khi dân số già hóa nhanh.
“Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Có 2 xu hướng làm thay đổi công nghệ số: Chi phí giảm thúc đẩy lan tỏa công nghệ. Kết hợp nhiều loại hình công nghệ số và hội tụ các công nghệ khác nhau"– ông Nguyễn Thế Quang nói.
Theo ông Nguyễn Thế Quang, những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất, như: lĩnh vực kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo - Al, Internet vạn vật - IoT, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn), lĩnh vực vật lý (công nghệ in 3D, vật liệu mới, robot cao cấp, xe tự lái); lĩnh vực công nghệ sinh học và lĩnh vực năng lượng tái tạo. CMCN 4.0 mở ra cơ hội cho từng cá nhân và từng dân tộc. Quốc gia nào tận dụng được, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ vượt lên, nếu ngược lại sẽ bị tụt hậu.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, các tên tuổi từ nước ngoài như Uber, Grab… một trong những hoạt động theo mô hình “Kinh tế chia sẻ” (sharing economy) dần trở nên quen thuộc đối với người dân ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thế Quang cho biết: Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng hình thức kinh doanh như Uber hay Grab dựa trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới chia sẻ chi phí, gia tăng lợi nhuận… là một xu hướng mới của CMCN 4.0. Điều này cũng cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay, doanh nghiệp nào chuyển đổi phương thức hoạt động theo dựa trên IoT, Al… chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Kinh tế chia sẻ - hay CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam. Bao gồm: môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Phải đổi mới
Dù còn nhiều mới mẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã có những nhận thức, cách thức tiếp cận CMCN 4.0.
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Trong định hướng phát triển, Tập đoàn Lộc Trời hướng đến nông nghiệp công nghệ cao gieo trồng trên diện tích đại trà - cây trồng, vật nuôi được trồng trọt, sản xuất trên diện tích đại trà theo điều kiện tự nhiên.
Ngoài ra, theo ông Dương Văn Chín, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh trưởng. Các loại giống mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng để nâng cao năng suất, tăng chất lượng, giảm chi phí, bảo vệ môi trường… Sản phẩm làm ra có khối lượng lớn, chất lượng và đồng nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với định hướng đó, thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời đã tạo chọn ra các giống lúa mới, như: giống lúa chất lượng cao, đặc sắc (Lộc Trời 1, Lộc Trời 2, Lộc Trời 3…); giống lúa có chỉ số đường huyết thấp (giống BN1<50)… và áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì thế, Tập đoàn Lộc Trời đã được giải thưởng “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”, từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo ông Lê Minh Đức, Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô, nền tảng CMCN 4.0 tại công ty chính là: Sử dụng lập trình logic (PLC) biến tầng để điều khiển hệ thống máy móc, thiết bị tự động. Sử dụng và xem IoT là xương sống, kết nối cho từng đơn vị. Tất cả những quy trình, dữ liệu sản xuất và những dữ liệu liên quan đến nội bộ, đối tác, khách hàng, nhà cung ứng, vận chuyển, vật tư… đều được công ty số hóa và lưu trữ trên điện toán đám mây.
Nhờ vậy, trong 5 năm trở lại đây, công ty đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình như: Làm chủ được công nghệ tự động hóa từ dây chuyền 2; giờ làm giảm xuống còn 36 giờ/tuần; chi phí điện năng tiêu thụ giảm 20%; các cuộc họp giữa các phòng ban giảm 80%.
Bên cạnh đó, công ty thành lập tổ công nghiệp Xi măng Tây Đô với các công ty con và công ty liên kết, chuyên môn hóa các lĩnh vực, như: bê tông, vận tải, bao bì… Nhờ đó, giúp doanh thu công ty tăng nhanh quan các năm, như: năm 2013 lợi nhuận đạt khoảng 671 tỉ đồng, năm 2014 đạt 815 tỉ đồng, con số này của năm 2015, 2016 lần lượt là 1.132 tỉ đồng và 1.204 tỉ đồng.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: CMCN 4.0 đã và đang diễn ra rất rầm rộ trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã có những bước tiến rất xa trong việc sử dụng thương mại điện tử, logistics… để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, ở ĐBSCL, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90%. Thực tế, tìm một CEO ở khu vực này để tham dự những cuộc hội nghị, hội thảo trao đổi các vấn đề quốc tế rất khó khăn. Ngay cả những CEO am hiểu và có khả năng tham dự hội nghị kinh tế trong nước cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay... Điều này tạo ra khoảng cách rất lớn về công nghệ giữa doanh nghiệp ĐBSCL và cả nước so với thế giới, tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.
“Doanh nghiệp cần đổi mới, nhanh chóng có những bứt phá về công nghệ thông tin; tiếp cận và nắm bắt xu thế, xu hướng công nghệ và các vấn đề quốc tế, xu hướng thế giới của thị trường… Từ đó có những sản phẩm cạnh tranh chiến lược, đủ mạnh để tham gia và hội nhập tốt”- ông Võ Hùng Dũng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, các ngành chức năng cần thay đổi căn bản hệ thống đổi mới sáng tạo; đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo; cần tạo môi trường cạnh tranh kinh doanh thông thoáng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Hà Triều