05/12/2023 - 09:34

Doanh số vũ khí toàn cầu giảm 

Do các vấn đề về sản xuất, doanh số của những công ty vũ khí hàng đầu thế giới đã giảm trong năm 2022, bất chấp xung đột  Nga - Ukraine làm gia tăng nhu cầu thiết bị quân sự, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).

Chiến đấu cơ F-35 do Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất. Ảnh: Getty Images

Trong báo cáo công bố ngày 4-12, SIPRI cho biết doanh số vũ khí và thiết bị quân sự của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đạt tổng cộng 597 tỉ USD trong năm 2022, giảm 3,5% so với năm trước đó. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi SIPRI thiết lập danh sách 100 hãng vũ khí lớn nhất thế giới vào năm 2015. Năm ngoái, những căng thẳng địa chính trị cộng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm tăng nhu cầu vũ khí và thiết bị quân sự.

Tiến sĩ Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho rằng doanh số sụt giảm trong bối cảnh như thế là “điều bất ngờ”. “Sự sụt giảm trên cho thấy có độ trễ về thời gian giữa cú sốc nhu cầu như chiến tranh ở Ukraine và khả năng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu đó của các công ty”, ông Da Silva nói với Hãng tin AFP.

Doanh số vũ khí Mỹ giảm

Theo SIPRI, việc sụt giảm doanh số vũ khí toàn cầu chủ yếu do sự hụt hơi của các tập đoàn lớn ở Mỹ, nơi các hãng chật vật với “vấn đề chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động”, vốn bắt nguồn từ đại dịch COVID-19. Doanh số vũ khí của 42 công ty Mỹ nằm trong danh sách SIPRI, chiếm 51% tổng doanh số, chỉ đạt 302 tỉ USD trong năm 2022, giảm 7,9%. Các tập đoàn vũ khí Mỹ đặc biệt dễ tổn thương trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi nhiều hệ thống vũ khí mà họ sản xuất phức tạp hơn.

Theo tờ DW, phần lớn số vũ khí cung cấp cho Ukraine đến từ các kho của châu Âu và Mỹ, điều đã không mang lại nhiều doanh thu cho công nghiệp quốc phòng. Một lý do khác là sự tập trung của các hãng lớn nhất vào những hệ thống đắt đỏ như chiến đấu cơ, tàu chiến và tên lửa. Tuy nhiên, theo Xiao Liang, một trong các tác giả báo cáo, những thiết bị quân sự cần thiết nhất trong cuộc chiến ở Ukraine thì lại không đòi hỏi đắt đỏ mà chỉ là xe bọc thép, đạn dược và các loại pháo. 

Tương tự, các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng ghi nhận doanh số giảm. Do thiếu số liệu, SIPRI chỉ có thể đưa được 2 công ty của Nga vào danh sách là Rostec (xếp thứ 10) và United Shipbuilding Corporation (thứ 36). Tổng doanh số của 2 công ty này đạt 20,8 tỉ USD, giảm 12%.

Ngược lại, ở những khu vực khác trên thế giới như Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương, các hãng sản xuất những hệ thống ít tinh vi hơn có thể đáp ứng được nhu cầu vũ khí tăng cao. Cụ thể, Trung Đông chứng kiến mức tăng doanh số lớn nhất xét theo tỷ lệ phần trăm, tăng 11%, đạt 17,9 tỉ USD. Trong khi đó, tổng doanh thu của 22 hãng chế tạo vũ khí tại châu Á và châu Đại Dương đạt 134 tỉ USD, tăng 3,1%. Đây là năm thứ hai liên tiếp doanh thu quốc phòng của châu Á và châu Đại Dương cao hơn châu Âu.

Doanh số vũ khí của 26 công ty ở châu Âu trong tốp 100 chỉ đạt 121 tỉ USD năm ngoái, tăng 0,9%.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết