05/01/2023 - 08:46

Doanh nghiệp trong vòng xoáy khó khăn 

Quý I-2023, có 68,8% doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên và giữ ổn định so với quý IV-2022. Có tới 31,2% DN cho biết sẽ khó khăn, con số này cũng phản ánh thực tế vòng xoáy khó khăn mà DN đang tiếp tục đối mặt.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến DN

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV-2022 và dự báo quý I-2023, với tỷ lệ phản hồi của DN là 86,7% (khoảng 5.636 DN trả lời). Theo đánh giá của DN, trong quý cuối năm 2022, sản xuất kinh doanh ảm đạm hơn quý III; con số nhận định tình hình khó khăn hơn tới 33,7% (quý III-2022, con số này chỉ có 25,4%). Dự báo quý đầu năm 2023, khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Theo DN, những lực cản lớn nhất trong quý I-2023 đó là: Nhu cầu thị trường trong nước thấp (49,7% DN nhận định); tính cạnh tranh hàng hóa trong nước không cao (47,5%); lãi suất vay vốn cao (37,5%); khó khăn về tài chính (33,4%); nhu cầu thị trường quốc tế thấp (32,6%); thiếu nguyên, nhiên, vật liệu (22,8%)… Chỉ số cân bằng chung (phản ánh tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của DN), quý I-2023 so với quý IV-2022 là 0,3% (31,5% DN dự báo tăng; 31,2% dự báo giảm) cũng cho thấy DN vẫn đang kém lạc quan về thị trường trong quý đầu năm mới.

Cụ thể, so với quý cuối năm 2022, quý I-2023 chỉ số cân bằng đơn hàng mới là -0,6%. Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước đạt chỉ số cân bằng cao nhất với 2,8%; khu vực DN nhà nước và khu vực FDI chỉ số này giảm lần lượt là -1,4% và -8,1%.

DN cũng nhận định đơn hàng mới sụt giảm kéo theo sự sụt giảm của chỉ số cân bằng sử dụng lao động, cả 3 khu vực đều âm (DN nhà nước -2,3%; khu vực DN ngoài nhà nước -5,6%; khu vực FDI -4,8%). Dự báo về số lao động quý I-2023, có 17,6% DN dự kiến giảm lao động; còn lại 82,4% DN dự biến số lao động tăng và giữ nguyên (chỉ 12,5% tăng, có 69,9% DN giữ nguyên). Một số ngành có tỷ lệ giảm lao động cao nhất là: sản xuất tủ, bàn, ghế; sản xuất trang phục, da và sản phẩm liên quan; sản xuất thiết bị điện, phương tiện vận tải…   

Mới đây, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12-2022, Ngân hàng Thế giới công bố đã nêu cảnh báo, sức cầu bên ngoài đang yếu đi và chưa có dấu hiệu phục hồi chắc chắn nên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp. Nhất là chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong lĩnh vực chế biến chế tạo lần đầu tiên trượt về dưới ngưỡng 50 (giảm từ 50,6 điểm của tháng 10 xuống còn 47,4 điểm tháng 11-2022) cho thấy sản xuất kinh doanh đã xấu hơn các tháng trước đó… Điều này cho thấy rằng trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các chính sách điều hành vĩ mô cần đảm bảo nâng cao khả năng chống chịu và phát huy tiềm năng của nền kinh tế.

Giảm bớt gánh nặng cho DN

Tình hình sản xuất kinh doanh bắt đầu giảm tốc từ giữa quý IV-2022, nên DN nhận định về đơn đặt hàng, quý I-2023, có 30% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 30,6% DN dự báo đơn hàng ổn định và 39,4% DN dự kiến đơn hàng giảm so với quý cuối năm 2022.

Mặc dù năm 2022 là năm thứ 7 xuất siêu liên tiếp, nhưng với bức tranh kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiện bứt tốc, nên các DN cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ khó hơn và cần phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể giữ thị trường. Báo cáo xu hướng kinh doanh quý đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, con số DN nhận định tăng đơn hàng mới  chỉ có 24%; có 42,7% số DN dự kiến ổn định; trong khi có tới 33,3% số DN dự kiến giảm.

Bên cạnh đó, dự báo về tồn kho thành phẩm trong quý I-2023, có 17,1% DN dự báo tăng; 52,4% cho rằng giữ nguyên và 30,5% dự báo giảm. Trước triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu năm 2023, với độ mở nền kinh tế lớn nên sự suy giảm tổng cầu thế giới sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước vẫn đang thấp điểm. Vì vậy, các chính sách vĩ mô cần cân nhắc thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế, đảm vảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và tạo không gian mới cho các DN phát triển.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết