 |
Các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ rất khó điều chỉnh tăng giá vé bởi áp lực cạnh tranh gay gắt. Ảnh: ANH KHOA |
Ở nhiều địa phương trong nước, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định đã được điều chỉnh tăng, giá cước vận tải bằng xe buýt cũng rục rịch tăng để bù đắp chi phí xăng dầu tăng. Tại TP Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp vận tải dù than vãn là đang hoạt động trong tình trạng lỗ nặng, nhưng lại chưa thể điều chỉnh tăng giá cước. Vì sao?
XE KHÁCH: NHÌN NHAU “CHỜ” TĂNG GIÁ VÉ...
Xăng dầu đã tăng giá hơn 10 ngày. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa thể tăng giá vé. Hiện tại, các doanh nghiệp chủ yếu chỉ mới thăm dò nhau về giá cước mới, chứ chưa dám đơn phương tự điều chỉnh tăng giá cước vận tải hành khách.
Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Thảo có 42 xe (16 chỗ) chạy bằng dầu, hoạt động trên 2 tuyến: Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau. Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Trạm điều hành tại bến Cần Thơ của Công ty, cho biết: “Sau khi dầu tăng giá, mỗi ngày công ty phải tốn thêm 15-20 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu, nên hoạt động lỗ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ráng cầm cự, chưa điều chỉnh tăng giá vé. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào điều chỉnh tăng giá vé, nếu chúng tôi điều chỉnh tăng sẽ mất khách ngay. Cứ “chờ” nhau như vầy các doanh nghiệp vận tải càng gặp khó khăn hơn”.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, trước đây có hội nghị hiệp thương nên khi giá nhiên liệu tăng cao, thì các doanh nghiệp sẽ ngồi lại với nhau thống nhất tăng giá vé. Bây giờ, không còn hội nghị hiệp thương như trước nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Sở Giao thông Công chính thành phố, Bến xe khách Cần Thơ giúp tháo gỡ khó khăn. Một trong hai đơn vị này có thể đứng ra chủ trì, tập hợp các doanh nghiệp ngồi lại với nhau để đưa ra phương án tăng giá cước ở mức hợp lý so với giá xăng dầu vừa tăng, cũng như áp dụng đồng loạt. Ở nhiều địa phương khác, trong tình hình khó khăn như thế này thì hiệp hội vận tải sẽ đứng ra tập hợp các doanh nghiệp lại. Nhưng tại TP Cần Thơ chưa có hiệp hội vận tải.
Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Nếu chậm điều chỉnh tăng giá vé, xã viên của hợp tác xã sẽ hoạt động trong tình trạng lỗ kéo dài. Chúng tôi đang làm hồ sơ đăng ký mức giá vé mới với Cục Thuế, Sở Tài chính. Hợp tác xã Vận tải đường bộ có 110 xe hoạt động trên 26 tuyến đường cố định, dự kiến giá vé mới sẽ tăng khoảng 20-25% (tùy theo tuyến đường). Mức giá mới này sẽ áp dụng khoảng từ ngày 10 đến 15-3-2008, sau khi đăng ký giá với các cơ quan quản lý Nhà nước xong...”.
Nếu giá cước vận tải hành khách được điều chỉnh tăng thì áp lực giá cả sẽ đè nặng lên hành khách. Khi đó, doanh nghiệp vận tải không còn lo chi phí xăng dầu tăng mà sẽ lo lượng khách giảm. Anh Tô Thanh Đoàn, ở tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi học ở Vĩnh Long, mỗi tháng về nhà khoảng 2 lần. Nếu tới đây giá xe khách tăng, thì tôi sẽ hạn chế về nhà hơn, có thể 1 tháng tôi chỉ về 1 lần. Không chỉ có giá xe, giá cả hàng hóa cũng tăng vọt, trong khi tôi là sinh viên không làm ra tiền nên chỉ còn biết tiết kiệm thôi!”.
XE BUÝT: “SỐNG DỞ CHẾT DỞ”
Từ năm 2005 đến nay, giá vé xe buýt không tăng, trong khi xăng dầu đã tăng giá nhiều lần. Vì vậy, giá vé xe buýt hiện đã không còn phù hợp với thực tế. Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ hiện có 7 tuyến xe hoạt động chạy bình quân 402 chuyến/ngày. Hiện nay, chi phí cho các đầu xe buýt do công ty đang quản lý trên 146 triệu đồng/ngày. Với giá cước chưa được điều chỉnh, doanh thu hàng ngày hơn 96 triệu đồng, công ty đang bù lỗ trên 50 triệu đồng/ngày. Trong đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu cuối năm 2007, đã có 6 chủ xe xin ngừng hoạt động vì không có khả năng bù lỗ. Hiện tại, chỉ còn 65 xe liên doanh với bên ngoài, cộng thêm 55 xe của công ty.
Ông Đỗ Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ, nói: “Là một đơn vị hoạt động công ích, việc tăng giá cước vận tải khá nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu tình trạng bù lỗ kéo dài, doanh nghiệp không kham nổi. Trong 6 lần điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ trong thời gian qua, công ty đã làm văn bản đề nghị điều chỉnh giá cước 3 lần. Nhưng 2 lần trước đều không được thông qua. Nay là lần thứ 3, nếu không được thông qua, công ty sẽ không có nguồn để bù lỗ. Hơn nữa, với hơn 300 nhân viên đang phục vụ trên 7 tuyến xe buýt, công ty đã phải điều chỉnh tăng mức lương theo qui định. Vật giá tăng, đời sống công nhân viên gặp nhiều khó khăn, công ty phải động viên để giữ chân họ, nhất là nhân viên nữ gặp khó khăn trong thời gian thai sản, nuôi con nhỏ”.
Ông Lê Đinh Trung, chủ một xe buýt liên doanh, nói: “Trước khi dầu tăng giá, tôi đổ đầy bình dầu chỉ có 670.000 đồng, nay tăng lên 1 triệu đồng. Bây giờ, tôi chạy một ngày đạt tổng doanh thu khoảng 1 triệu đồng, lỗ khoảng 300-400 ngàn đồng. Bị lỗ nhưng tôi cũng không thể ngừng hoạt động vì phải giữ chữ tín với công ty. Nhưng nếu tới đây, giá xe buýt không tăng, chắc tôi cũng phải ngừng hoạt động. Ở các nơi khác, xe buýt đã được điều chỉnh tăng giá vé, nhưng ở Cần Thơ vẫn chưa thấy động tĩnh gì...”.
Hiện nay, Xí nghiệp Vận tải Hành khách Công cộng (Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ) và các chủ xe liên doanh đang chờ đợi UBND TP Cần Thơ có quyết định cho phép tăng giá vé xe buýt để có điều kiện tiếp tục hoạt động.
THU HÀ - ANH KHOA