06/08/2012 - 22:34

Doanh nghiệp cần ứng biến với thị trường

DN ĐBSCL rất cần chính sách hỗ trợ để thuận lợi tiếp cận vốn đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Nhựa Hoàng Thắng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất nước, với 13,6%. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các DN ĐBSCL với quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, tìm giải pháp ứng biến với thị trường, từng bước vượt qua thách thức để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay là mục tiêu sống còn của DN.

Áp lực đầu ra

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết DN ở ĐBSCL đều có quy mô nhỏ, nguồn lao động lẫn mức vốn đầu tư đều thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước, đầu tư dài hạn của DN chỉ bằng 30% so với DN cả nước. Với cấu trúc kinh tế thiên về nông nghiệp, cộng với quy mô hoạt động nhỏ, các DN ĐBSCL rất dễ bị tổn thương khi nền kinh tế biến động. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động lành nghề... là những trở ngại chính đối với các DN ở ĐBSCL. Các DN nhỏ và vừa tốc độ phát triển chậm, thiếu năng động và sáng tạo khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng vẫn chưa tạo ra được giá trị chuyên sâu, trong khi khả năng tiếp cận với quy trình sản xuất công nghệ cao của DN còn hạn chế.

Với quy mô nhỏ và phân bố nhiều trong lĩnh vực thương mại, chế biến thực phẩm, DN ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, các DN kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn tự có và nếu vay ngân hàng thì chỉ vay trong giới hạn kiểm soát. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã được điều chỉnh giảm. Song, trong những tháng đầu năm 2012, lãi suất còn ở mức cao nên các DN buộc phải gánh chi phí lãi vay lớn, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh trong sản xuất. Mặt khác, không ít DN đang gặp khó trong vấn đề thu hồi nợ từ khách hàng.

Đầu ra sản phẩm gặp khó khăn do người dân thắt chặt chi tiêu nên việc phát triển thị trường của DN rất hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng hàng lậu, hàng nhái, hàng tiểu ngạch đẩy sản xuất của DN vào thế yếu. Hiện nay, chợ truyền thống và siêu thị là hai kênh phân phối quan trọng đối với DN Việt Nam nói chung và DN ĐBSCL. Nhưng ở hai kênh phân phối này, DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), đối với kênh siêu thị, mức chiết khấu ngày càng tăng, DN buộc phải tham gia các chương trình khuyến mãi với mật độ ngày càng dày hơn theo yêu cầu của siêu thị, kèm theo đó là áp lực hàng nhãn riêng. Những khó khăn này khiến hàng hóa của DN chuyển dịch từ đầu kệ trưng bày hàng hóa xuống đáy kệ và “nối đuôi nhau” ra khỏi siêu thị. Ở kênh tiêu thụ chợ truyền thống, các tiểu thương ngày càng được “chiều chuộng” hơn trước bởi các nhà phân phối hàng hóa đa quốc gia, hàng cấp thấp và những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thay vì chỉ nhận hàng về bán, các tiểu thương còn cho thuê quầy hàng để trưng bày hàng hóa của các DN nước ngoài. Trong khi các DN trong nước vẫn chưa mạnh dạn kết nối với tiểu thương nên nguy cơ mất thị phần là điều khó tránh khỏi.

Thích ứng để vượt khó

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước phải chủ động bảo vệ DN bằng các biện pháp kỹ thuật hợp pháp, cần sự quan tâm đúng mức để DN gia tăng khả năng cạnh tranh. Song song đó, bản thân DN phải năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Theo Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các DN phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để tự cứu mình. Đối với khó khăn về vốn, DN phải giải quyết triệt để vấn đề nợ và khai thông vốn tập trung vào sản xuất. Mặt khác, để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, DN phải chủ động hơn trong khai thông thị trường nông thôn, thị trường bán lẻ truyền thống.

Để giúp DN vượt khó, sự đồng hành từ phía địa phương là rất quan trọng. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều đợt khảo sát để nắm tình hình hoạt động của các DN thuộc các ngành nghề khác nhau trên địa bàn nhằm giúp DN bàn giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Sở Công thương TP Cần Thơ đã ký kết liên tịch với Sở Công thương các tỉnh vùng ĐBSCL để cùng liên kết, trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho các DN mở rộng phạm vi hoạt động, phân phối, tìm kiếm thị trường. Theo ông Nguyễn Minh Toại, trong thời điểm khó khăn này, các DN cần phát huy nội lực, thế mạnh sẵn có để khắc phục những hạn chế yếu kém, tìm những ngách thị trường phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại và nỗ lực vượt qua khó khăn.

Hiện nay, điều mà các DN mong mỏi nhất là bán được hàng và thu được tiền mặt thay vì “dính” nợ khó đòi kéo dài. Để gỡ khó, có những DN buộc phải đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để cầm cự cho ngành nghề chính. Một số DN sẵn sàng chấp nhận các đơn hàng gia công để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, để giữ vững thị phần, DN phải tính toán kỹ các giải pháp thị trường, phải xác định rõ mục tiêu là tập trung vào thị trường nào (nông thôn, chợ truyền thống, siêu thị hay xuất khẩu). Từ đó mới có những giải pháp gỡ khó cụ thể và xây dựng chiến lược phù hợp để phát triển sản phẩm ở phân khúc thị trường mà DN lựa chọn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết