21/03/2021 - 05:58

Dỗ dành trẻ bằng thiết bị điện tử, tác hại lâu dài 

Các nhà khoa học Mỹ mới đây cảnh báo, việc kiềm chế cơn quấy khóc của trẻ bằng cách cho chúng xem điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có thể khiến tình trạng quấy khóc và ăn vạ của chúng trở nên tồi tệ hơn.

Dỗ dành trẻ đang quấy khóc bằng thiết bị điện tử là sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải.

Dỗ dành trẻ đang quấy khóc bằng thiết bị điện tử là sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Đại học Brigham Young đã quan sát biểu hiện tâm lý của 269 đứa trẻ từ 2-3 tuổi sau khi một bộ phim hoạt hình mà bé đang xem kết thúc sớm. Song song đó, các phụ huynh cũng được hỏi về việc họ phụ thuộc bao nhiêu vào các phương tiện điện tử - như TV, máy tính bảng, điện thoại và trò chơi điện tử - trong việc giúp con không khóc nhè và giữ bình tĩnh.

Các chuyên gia nhận thấy nhóm trẻ đã quen với việc được cha mẹ cho chơi thiết bị điện tử để ngưng quấy khóc sẽ có những cảm xúc cực đoan hơn khi thiết bị đó bị lấy đi. Mặc dù để trẻ chơi điện thoại hoặc máy tính bảng có vẻ là một cách vô hại nhằm đánh lạc hướng trẻ vào những lúc quấy khóc, nhưng điều này về lâu dài có thể khiến trẻ phản ứng ngày càng dữ dội hơn mỗi khi không đòi được thứ mình muốn, chẳng hạn như nằm vạ xuống sàn nhà, khóc lóc và la hét inh ỏi.

Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các phụ huynh tránh dùng các thiết bị điện tử như một phương án để kiềm chế hành vi khóc nhè và giữ cho trẻ ngồi yên ở nơi công cộng. Theo các tác giả, hành vi “giữ con” bằng thiết bị điện tử thay vì dạy trẻ hiểu sự cần thiết phải kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, có thể cản trở khả năng học cách điều chỉnh cảm xúc, vốn là kỹ năng cần thiết cho cuộc sống của trẻ về sau. Trước đó, một nghiên cứu khác cảnh báo rằng việc trẻ mới biết đi dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử dễ bị phân tâm và khó tập trung hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một nghiên cứu mới của Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan phát hiện việc xem các chương trình phát trên thiết bị điện tử với thời lượng hơn 1 tiếng/ngày có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về kiểm soát cảm xúc và hành vi về sau.

Để đi đến nhận định trên, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu khảo sát từ lúc chào đời cho đến khi 5 tuổi của gần 700 trẻ từng tham gia một nghiên cứu quy mô lớn. Trong đó, phụ huynh được yêu cầu ghi lại thời lượng mà con họ sử dụng các thiết bị điện tử vào thời điểm 18 tháng tuổi và 5 tuổi, trung bình tương ứng với 32 phút và 114 phút mỗi ngày.

Sau khi đánh giá các vấn đề về cảm xúc và hành vi của trẻ vào lúc được 5 tuổi, các chuyên gia nhận thấy sử dụng quá mức thiết bị điện tử vào lúc 18 tháng tuổi có liên quan đến việc tăng 59% nguy cơ phát triển các vấn đề về giao tiếp với người khác khi trẻ lên 5 tuổi. Những vấn đề này bao gồm chứng tăng động, kém tập trung, thời gian chú ý ngắn và khó kết nối hoặc kết bạn với trẻ khác. Theo nhóm chuyên gia, nguyên nhân gây ra những vấn đề này là do việc “dán mắt” vào các thiết bị điện tử khiến trẻ lãng phí thời gian học tập những kỹ năng giao tiếp thực tế thông qua các hoạt động lành mạnh như đọc sách, chơi đùa và tương tác với người thân cũng như bạn bè đồng trang lứa.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, không nên cho trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo dùng thiết bị điện tử quá 1 tiếng/ngày. Nếu cần, cha mẹ nên dành thời gian xem chung với con, chọn lọc những chương trình bổ ích và tuyệt đối không sử dụng thiết bị vào giờ ăn hoặc trước giờ ngủ.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết