Việt Nam đang phải đối mặt gánh nặng “kép” về dinh dưỡng: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân còn cao, tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
Thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4% (số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng, toàn quốc năm 2017). Song song đó, tình trạng béo phì gia tăng, nhất là tại các đô thị. Theo kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ béo phì ở học sinh tiểu học TP Hồ Chí Minh trên 50%, khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%, tỷ lệ thiếu kẽm còn rất cao: ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4% và phụ nữ có thai còn đặc biệt cao với 80,3%. Tại TP Cần Thơ năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi 20,6 % và thể nhẹ cân là 10,1%; tỷ lệ thừa cân, béo phì 7,6%.

Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ An Thới, quận Bình Thủy.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 75% số trường hợp tử vong ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout… Tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần 2 lần sau 13 năm (1992-2005); tỷ lệ thừa cân - béo phì tăng gấp 2 lần sau 5 năm (2000 - 2005); tỷ lệ đái tháo đường tăng hơn 2 lần sau 10 năm (2002 - 2012). Các tỷ lệ này cao hơn ở những thành phố lớn và nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính không lây trên chính là chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, thừa năng lượng, thừa muối, thừa đường, thiếu vận động.
Còn kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, có 57,2% số người trưởng thành (18 - 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày - theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Ăn thế nào là đúng?
Từ thực tế trên, theo thạc sĩ Trần Xuân Huyền, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng, y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC Cần Thơ), với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20-25%) và chất đạm (chiếm 10-15%), còn lại làm nhóm vitamin và khoáng chất. Trong đó, WHO khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày.
Các khuyến cáo dinh dưỡng:
1. Sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.
2. Tăng cường ăn các loại rau/củ và trái cây; các loại hạt.
3. Nâng cao chất lượng bữa ăn theo nhu cầu lứa tuổi.
4. Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh.
5. Chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ...
|
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện tại một số địa phương, lượng muối trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 15 gam/ngày, gấp gần 3 lần so với khuyến cáo của WHO. Theo chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp, chế độ ăn mặn (thừa muối) khiến chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp và các biến chứng nặng nề của tăng huyết áp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…
Ngoài ăn mặn, nhiều người còn có thói quen ăn ngọt. Thói quen này nguy hại cho sức khỏe. Theo khuyến cáo của WHO, cả người lớn và trẻ em nên giới hạn lượng đường tự do đến dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ. Ở người trưởng thành, trung bình khoảng 2.000 calo/ngày, lượng đường tiêu thụ nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50 gam hoặc 12 thìa cà phê. Tiêu thụ dưới mức 5% còn tốt hơn và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Do vậy, cân bằng dinh dưỡng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để sống khỏe là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tại TP Cần Thơ, CDC Cần Thơ đã triển khai Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển từ 16-23/10/2019 trên phạm vi toàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thực hành dinh dưỡng của người dân về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam. CDC, Trung tâm Y tế quận, huyện tổ chức giám sát các trạm y tế về kết quả triển khai các hoạt động. Kết thúc tuần lễ, các trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện báo cáo kết quả triển khai về CDC.
Bài, ảnh: H.Hoa