27/04/2016 - 21:10

Điều trị thành công nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn

Thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện (BV) 121 cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch vì rắn độc cắn.

* Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ cắn ngưng tim, ngưng thở

13 giờ 50 phút, ngày 16-4-2016, bệnh nhân Bùi Minh Lương (sinh năm 1979), ở xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đến BV 121 trong tình trạng tím tái toàn thân, ngưng tim, ngưng thở do bị rắn hổ cắn chân trái. Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, BV 121, cho biết: "Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, ép tim, chích thuốc adrenalin. Sau cấp cứu khoảng 10 phút, tim hoạt động, bệnh nhân được duy trì thở máy; truyền huyết thanh kháng nọc rắn, bù dịch; thuốc bổ trợ… Đến 5 giờ sáng 17-4, bệnh nhân tự thở tốt, cai máy thở, rút ống nội khí quản và chuyển đến khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục điều trị". Tiếp xúc với chúng tôi chiều 21-4, bệnh nhân Lương hoàn toàn khỏe mạnh và chuẩn bị xuất viện. Theo lời người nhà, trên đường chuyển đi, tình trạng anh Lương rất nguy kịch, gia đình đã nghĩ đến chuẩn bị hậu sự cho anh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh thăm hỏi bệnh nhân Bùi Minh Lương.

Cách đây vài tuần, BV 121 tiếp nhận bệnh nhân từ BV Đa khoa Sóc Trăng chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, sưng phù toàn thân, rối loạn đông máu nặng. Bệnh nhân được hồi sức, truyền máu, huyết thanh kháng lọc rắn, truyền các thuốc bổ trợ… Nhờ các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhân qua khỏi. Theo lời ngưởi nhà, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn 5 - 6 ngày. Sau đó lấy nọc, đắp thuốc, không bớt, mới đến BV điều trị.

* Tuyệt đối không ga rô

Với điều trị rắn cắn, các ca nặng, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Phẫu thuật –Gây mê hồi sức, có các phương tiện như: máy thở, máy sốc điện, thuốc bổ trợ, hồi sức cho bệnh nhân… Khi bệnh nhân ổn định được chuyển đến Khoa Nội tiêu hóa tiếp tục theo dõi, điều trị. Các ca rắn cắn nhẹ hơn, điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa. Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, cho biết: "Căn cứ độc tố, chia rắn độc thành 2 nhóm chính là rắn hổ đất và rắn lục đuôi đỏ. Nhóm độc thần kinh là rắn hổ, sau khi bị cắn, bệnh nhân ngưng thở, từ từ thiếu ôxy mà chết. Còn rắn lục đuôi đỏ gây rối loạn đông máu, có thể dẫn đến tử vong. Nhiều bệnh nhân bị rắn cắn vào buổi tối, ban đêm thì không nhận biết được rắn gì cắn. Bác sĩ sẽ tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng và biểu hiện tổn thương tại chỗ vết cắn để chẩn đoán. Nhóm rắn gây độc thần kinh, điển hình là rắn hổ, gây liệt người, liệt cơ, không nói chuyện và thở được. Còn rắn lục cắn, tại chỗ cắn sưng to, phù lên, đau đớn, xuất huyết xung quanh vết thương…".

Năm 2015, BV tiếp nhận hơn 400 ca bị rắn cắn. Từ đầu năm 2016 đến nay, tiếp nhận trên 100 trường hợp nhập viện điều trị rắn cắn. Trong đó có 3 ca rắn hổ cắn, còn lại rắn lục đuôi đỏ và các loại rắn thường cắn. Trong đó, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn gia tăng. Có ngày BV tiếp nhận 5-6 ca. Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh lý giải: "Biến đổi khí hậu phù hợp để rắn sinh sôi, nảy nở. Rắn lục đuôi đỏ sinh sản rất nhanh, bản chất hung dữ, chủ động tấn công người. Hiện nay, các khu dân cư còn nhiều lô đất trống chưa cất nhà, cỏ mọc là điều kiện để rắn sinh sống, hoạt động và tiếp xúc với con người. Nếu trước đây, đa số người dân nông thôn bị rắn cắn thì hiện nay, rất nhiều người dân đô thị ở nhà, đi tập thể dục, chạy xe trên đường… cũng bị rắn cắn". Như trường hợp bệnh nhân Ái, 62 tuổi, ấp Tân Phong, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, đang điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa, kể: "Tôi cùng vợ đang chặt cây xung quanh ao, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn tay và vợ tôi dùng dao chém nó đứt làm hai. Sau đó, tôi rất đau, vết thương sưng lên. Tôi rửa vết thương bằng xà phòng và đến thầy thuốc trị rắn cắn gần nhà, đâm thuốc, bó vào vết cắn. Đến chiều, vết thương sưng to, tôi thấy choáng váng… Người nhà tức tốc đưa tôi đến BV 121. Sau hai ngày điều trị, nay tôi thấy đỡ nhiều".

Qua điều trị, bác sĩ lưu ý, một số bệnh nhân sau 4 - 5 ngày bị rắn cắn, điều trị thầy lang, lấy nọc, bệnh nguy kịch, xuất huyết, rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử chỗ vết cắn…, mới nhập viện, khiến việc điều trị vất vả, phải phẫu thuật cắt lọc chỗ hoại tử. Nhiều bệnh nhân sơ cứu bằng cách ga rô, hy vọng nọc độc không chạy vào tim hoặc chích lễ để nặn chất độc ra. Cách sơ cứu này rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, sau khi rắn cắn, nọc độc theo động mạch đến mô, trong khi ga rô chỉ ngăn máu không đến tĩnh mạch vì thế không hiệu quả; chưa kể khi ga rô, máu không lưu thông đến chỗ chất độc (rắn cắn), gây hoại tử nặng chỗ cắn. Nhiều trường hợp bệnh nhân ở xa, người nhà sốt ruột đưa đến BV tuyến trên, khiến bệnh nhân càng thêm nguy kịch, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tử vong trên đường đi. Theo các bác sĩ, dù các BV ở tỉnh, huyện không có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu nhưng có thể cho bệnh nhân thở oxy, đặt nội khí quản, truyền dịch, nâng huyết áp…, rồi mới chuyển tuyến trên điều trị. Các bác sĩ khuyên khi bị rắn độc cắn, cần bất động bệnh nhân, rửa sạch vết cắn bằng nước xà phòng loãng, đắp gạc, băng lại, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời…

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh cho biết, BV 121 có kinh nghiệm điều trị rắn cắn hơn 10 năm nay, bố trí phương tiện như: máy thở, sốc điện, thiết bị hồi sức, huyết thanh kháng lọc rắn đặc hiệu… cùng đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng, trực 24/24 để cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Để phòng rắn cắn, bà con cần phát quang, làm cỏ quanh nhà để rắn không có nơi sinh sống, hoạt động. Trước khi bà con phát quang bụi rậm, cầm cây xua đuổi rắn, chủ động phát hiện. Khi lao động, bà con cần trang bị bảo hộ như: đội nón, mang bao tay, ủng...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết