22/10/2019 - 07:32

Điều trị rung nhĩ bằng năng lượng sóng cao tần 

Rung nhĩ là loại loạn nhịp phổ biến nhất, chiếm tới 1/3 tổng số các loại rối loạn nhịp. Việc điều trị triệt để rung nhĩ rất khó khăn. Từ năm 2016, các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) đã áp dụng kỹ thuật phẫu thuật Cox - Maze điều trị rung nhĩ bằng năng lượng sóng cao tần Radio.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị rung nhĩ bằng sóng cao tần, kết hợp thay 2 van, sửa van 3 lá...

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ bệnh nhân mắc rung nhĩ tăng theo tuổi: với 1% rung nhĩ ở các bệnh nhân dưới 60 tuổi, 12% bệnh nhân ở tuổi từ 75-84 và chiếm đến hơn 30% số bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên.

Rung nhĩ là tình trạng buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất, có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết, có thể là mãn tính. Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập. Rung nhĩ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật lên bệnh nhân như gây rối loạn huyết động, các biến cố tắc mạch, làm tăng gấp 5 lần nguy cơ đột quỵ, tăng gấp 2 lần nguy cơ gây suy tim và tăng nguy cơ tử vong gấp 2 lần.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng rung nhĩ, một trong số đó là do tổn thương van tim của buồng tim trái: Đặc biệt là van hai lá. Tình trạng hẹp hở van hai lá lâu ngày dẫn đến thay đổi kích thước buồng nhĩ trái và qua đó gây ra tình trạng rung nhĩ.

Phẫu thuật Cox - Maze thực hiện trên nguyên tắc tạo những đường rạch xung quanh các tĩnh mạch phổi của tim và rạch nhiều đường ở tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải nhằm làm gián đoạn các xung điện gây ra rung nhĩ. Trước đây người ta sử dụng phương pháp “cắt và khâu” khiến thời gian phẫu thuật kéo dài, nguy cơ chảy máu nhiều. Hiện nay, việc áp dụng các nguồn năng lượng (sóng siêu âm, laser, nhiệt lạnh, phổ biến nhất là sóng cao tần...) có tính an toàn và hiệu quả cao thay thế cho việc “cắt - khâu”.

Phẫu thuật Cox - Maze điều trị rung nhĩ bằng năng lượng sóng cao tần Radio ở các bệnh nhân hẹp hở van hai lá kèm rung nhĩ đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có độ khả thi và hiệu quả cao trong việc phục hồi nhịp xoang (nhịp tim bình thường) khi kết hợp chuyển nhịp cùng lúc với phẫu thuật van tim. Tỷ lệ các bệnh nhân được phẫu thuật tim hở có rung nhĩ được tiến hành phẫu thuật Cox - Maze tại Hoa Kỳ năm 2010 là 49%, tỷ lệ hồi phục nhịp xoang 1 năm khoảng 80%. Tại Việt Nam, hiện chỉ một vài trung tâm tim mạch triển khai phương pháp phẫu thuật tương đối phức tạp này. Tại ĐBSCL, chỉ có BVĐKTƯCT triển khai kỹ thuật này.

Vừa qua, ê-kíp phẫu thuật tim BVĐKTƯCT đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Kết quả bước đầu phẫu thuật Cox - Maze điều trị rung nhĩ bằng năng lượng sóng cao tần Radio tại BVĐKTƯCT”. Đề tài thực hiện từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2019 tại Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện. Có 54 bệnh nhân hẹp hở van hai lá kèm rung nhĩ được thực hiện phương pháp này. Trong đó, đa số bệnh nhân dưới 60 tuổi. Nữ giới chiếm đa số đến 82,7%. Tỷ lệ bệnh van tim hậu thấp rất cao, trong đó, tỷ lệ hẹp hở van 2 lá hậu thấp chiếm đến 85,2%. Hở van 3 lá thứ phát chiếm 87%.

Đa phần bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng nặng, với sự gia tăng áp lực động mạch phổi từ mức độ trung bình đến nặng chiếm 92,6%. Nguyên nhân người bệnh còn khó khăn và tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế muộn nên ảnh hưởng nhiều đến tình hình bệnh tật. Hậu quả gây dãn nhĩ trái, ghi nhận có đến 61,3% bệnh nhân có dãn nhĩ trái > 50mm.

Sau khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật Cox - Maze điều trị rung nhĩ bằng năng lượng sóng cao tần Radio, kết quả có đến 55,6% bệnh nhân được chuyển nhịp xoang sau mổ, tỷ lệ đó tăng lên 77,8% lúc xuất viện và sau 3 tháng tỷ lệ chuyển nhịp xoang gần 80%. Để duy trì kết quả nhịp xoang sau phẫu thuật, các thầy thuốc đã cho bệnh nhân dùng thuốc Cordaron 100mg/ngày trong khoảng 3-6 tháng.

Qua thực tế điều trị, yếu tố đường kính nhĩ trái là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị. Trong nghiên cứu, cho thấy đường kính nhĩ trái < 50mm thì khả năng phục hồi nhịp xoang rất lớn, chiếm đến 95,2% tại thời điểm xuất viện. Trong khi đó, kích thước nhĩ trái lớn hơn 60mm thì khả năng phục hồi nhịp xoang chỉ 44,4% tại thời điểm ra viện và thời điểm sau 3 tháng phẫu thuật.

Qua nghiên cứu, Ths.Bs Lâm Việt Triều, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim, cho biết: Phẫu thuật Cox - Maze sử dụng sóng cao tần Radio là một kỹ thuật kiểm soát rung nhĩ có hiệu quả cao, ít biến chứng đối với những trường hợp rung nhĩ mãn tính kết hợp trên những bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật điều trị các bệnh van tim. Do đó, kỹ thuật này nên được quan tâm tìm hiểu và nghiên cứu triển khai tại các trung tâm phẫu thuật tim mạch để góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Cần tiếp tục theo dõi xa hơn những bệnh nhân được phẫu thuật bằng lâm sàng, siêu âm, điện tim… để có những đánh giá lâu dài và chính xác hơn về kết quả của kỹ thuật. Đồng thời, kỹ thuật này hoàn toàn có thể áp dụng thực hiện tại các trung tâm phẫu thuật tim khác tại khu vực ĐBSCL.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết