27/11/2014 - 20:58

Điều trị bệnh trĩ ít đau

Chương trình Thầy thuốc gia đình kỳ thứ 50, do BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với VTVCầnthơ2 phát sóng lúc 20 giờ ngày 26-10-2014, chủ đề “Điều trị bệnh trĩ ít đau”. Với sự trả lời của 2 diễn giả: ThS. BS Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long và BS. CKII Nguyễn Minh Cường, Phó khoa Ngoại Tổng quát – Hậu môn Trực tràng BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Có những câu hỏi hay, qua trang Sức khỏe (Báo Cần Thơ), BV ĐK Hoàn Mỹ Cửu Long xin giới thiệu để bà con bệnh nhân tham khảo.

 L.H.P (Long Mỹ - Hậu Giang): Tôi 51 tuổi, bị trĩ cách đây khoảng 5 năm. Khi uống rượu bia thì búi trĩ lại nhô ra gây chảy máu, khoảng 2 ngày sau lại bình thường. Xin hỏi BS nếu tình trạng này để lâu không điều trị thì có nguy hiểm không? Nếu điều trị thì tôi nên bắt đầu từ đâu?

- BS: Trước hết anh nên đi khám và nội soi trực tràng để xác định chắc chắn là bệnh trĩ hoặc có thêm bệnh lý hậu môn trực tràng nào kết hợp không. Nếu để trĩ xuất huyết kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu máu mạn. Một số trường hợp dẫn đến trĩ sa nghẹt gây đau nhiều, việc điều trị sẽ kéo dài và khó khăn hơn, dễ có biến chứng sau mổ.

 N.T.H.Đ (Sóc Trăng): Tôi nghe nói trong môi trường cơ quan, phải ngồi nhiều rất dễ bị trĩ? Xin cho biết cách phòng bệnh?

- BS: Trong các nghề làm việc phải ngồi lâu như: tài xế, thợ may công nghiệp, nhân viên văn phòng… thường dễ bị trĩ do tăng áp lực vùng chậu, cộng thêm ít vận động, uống nước không đầy đủ và những lúc phải nhịn đi vệ sinh vì công việc…tất cả các yếu tố trên làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trĩ. Cách phòng ngừa: Ăn nhiều rau, quả, uống nhiều nước, tránh các thức ăn nhiều gia vị như: ớt, tiêu... vận động thể dục thể thao, tập thói quen đi tiêu mỗi ngày.

 N.V.K (Hậu Giang): Tôi 50 tuổi, thường bị táo bón, mỗi lần như vậy thì đi cầu ra máu. Xin hỏi đó có phải là bệnh trĩ? Người bị trĩ ở giai đoạn nào thì có thể điều trị bằng phương pháp Longo? Người bệnh trĩ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng như thế nào?

-BS: Bị bón và đi tiêu ra máu có thể do bệnh trĩ, bệnh nứt hậu môn (rách hậu môn) hoặc do u trong hậu môn trực tràng. Để xác định bệnh, anh nên đi nội soi hậu môn trực tràng. Phẫu thuật Longo cho bệnh nhân có trĩ độ II, III hoặc độ IV. Người bệnh trĩ cần ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị như: ớt, tiêu… tránh các chất kích thích như: cà phê, rượu, trà… nên tập thói quen đi tiêu đều đặn mỗi ngày và có thể vận động tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao nhẹ…

 L.T.M (Đồng Tháp): Bị trĩ độ 3, búi trĩ sa ra ngoài. Bác sĩ điều trị cho tôi đề nghị cắt theo từng búi? Xin hỏi tôi có thể phẫu thuật một lần bằng phương pháp Longo được không?

- BS: Ưu thế của mổ trĩ bằng phương pháp Longo là giúp người bệnh không bị đau như phương pháp mổ cổ điển. Anh bị trĩ độ III mổ Longo là hợp lý. Tuy nhiên, nếu cơ sở khám bệnh cho anh chưa có máy hoặc bác sĩ chưa có kinh nghiệm dùng máy thì vẫn phải cắt từng búi theo cách cổ điển.

 V. M. T (Phụng Hiệp - Hậu Giang): Tôi năm nay 49 tuổi, bị bệnh trĩ đã gần 20 năm. Nhưng từ trước đến giờ tôi chưa đi khám lần nào. Vậy xin hỏi, tôi nên đi phẫu thuật hay điều trị nội khoa? Chi phí điều trị khoảng bao nhiêu?

-BS: Bạn nên đến các bệnh viện có chuyên khoa Hậu môn Trực tràng hoặc đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long của chúng tôi để xác định chính xác có phải bạn bị bệnh trĩ hay là mẫu da thừa hậu môn, trĩ ngoại hay trĩ nội. Khi đó bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp và cung cấp giá dịch vụ ước tính cho bạn.

 N. V. H (Châu Thành - Hậu Giang): Tôi 50 tuổi, phẫu thuật rò hậu môn đã 4 tháng, tái khám 2 lần. Giờ bị rĩ nước vùng hậu môn, thấy chất mũ dính ở chỗ phẫu thuật, hậu môn bị ngứa, thốn khi ngồi. Xin BS hướng dẫn tôi phải tiếp tục điều trị ở đâu, bằng phương pháp gì?

-BS: Sau phẫu thuật rò hậu môn 4 tháng, vết mổ vẫn chưa lành thì có khả năng là bệnh tái phát. Bạn nên đến cơ sở đã phẫu thuật để bác sĩ khám lại hoặc bạn có thể đến bệnh viện có chuyên khoa Hậu môn Trực tràng để được kiểm tra.

  H. T. N (Ô Môn - TP Cần Thơ): Bé 8 tuổi thường bị bón, dù thường ăn rau - trái cây, nhưng 3-4 ngày mới đi cầu 1 lần. Xin hỏi BS sau này bé có nguy cơ bị bệnh trĩ không? Xin hướng dẫn phương pháp để bé đi cầu bình thường.

- BS: Bé thường xuyên bị táo bón thì nguy cơ thường gặp nhất là bệnh nứt hậu môn (hay rách hậu môn). Nếu cháu có chế độ ăn uống bình thường mà vẫn không đáp ứng, vẫn còn táo bón thì phải dùng đến một số loại thuốc giúp mềm phân cho bé. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài có thể dẫn đến trĩ, sa niêm mạc trực tràng hoặc sa trực tràng. Tốt nhất nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

 L.H (Cái Răng - TP Cần Thơ): Tôi bị trĩ ngoại nổi mụt nhọt ngoài hậu môn, đụng vào là đau. Uống rượu, bia và nóng trong người thì bệnh càng nặng hơn, ngồi xe bị đau nhiều. Xin cho hỏi tôi nên điều trị như thế nào?

- BS: Theo như bạn mô tả thì có 2 khả năng, một là bạn có thể bị trĩ ngoại tắc mạch, hai là bạn có thể bị áp xe hậu môn trực tràng. Bạn nên đến các cơ sở hoặc bệnh viện có chuyên khoa về Hậu môn Trực tràng để được bác sĩ khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

ĐÌNH KHÔI (lược ghi)

Chia sẻ bài viết