14/03/2013 - 19:45

Điều trị bệnh đau nhức xương khớp bằng y học cổ truyền

Đau nhức xương khớp là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bên cạnh những liệu pháp điều trị bằng y học hiện đại thì nhiều bệnh nhân chuộng điều trị căn bệnh này với phương pháp y học cổ truyền, triệu chứng bệnh thuyên giảm từ từ, ít tái phát và tác dụng phụ.

Bác sĩ Võ Thanh Phong đang khám bệnh cho người dân. 

Sáng cuối tuần, Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy có rất đông bệnh nhân ngồi chờ trước phòng khám y học cổ truyền. Họ đến đây điều trị một số bệnh lý phổ biến như: viêm dạ dày, viêm gan, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, tăng huyết áp,… đặc biệt, phần lớn là bệnh nhân điều trị bệnh đau nhức xương khớp. Dì Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) điều trị bệnh thoái hóa cột sống, thoái hóa hai khớp gối ở đây đã hơn 5 năm. Dì tham gia bảo hiểm y tế nên ít tốn kém chi phí mỗi lần điều trị. Hơn 10 năm trước, nhiều lúc bệnh nặng, dì đi lại khó khăn, phải lần vách, chống gậy. Khi đó, dì tự mua thuốc uống hoặc đến bác sĩ tư chích vài liều, cũng thấy giảm đau nhưng sau đó bệnh lại tái phát chứ không dứt hẳn. Trong quá trình điều trị, dì tăng 20 kg, các bác sĩ yêu cầu phải giảm cân để ổn định sức khỏe. Khoảng 5 năm nay, dì Hường chuyển sang điều trị bằng y học cổ truyền, bệnh thuyên giảm từ từ và ít tái phát. Các bác sĩ hướng dẫn dì thực hiện chế độ ăn hạn chế dầu mỡ, bổ sung nhiều chất xơ. Theo dì Hường, điều trị bằng y học cổ truyền cũng tiện lợi và hiệu quả như y học hiện đại, thuốc viên uống dễ dàng, ít tác dụng phụ. Hiện sức khỏe dì Hường ổn định, đi đứng dễ dàng nên dì rất vui, kiên trì điều trị để bệnh dứt hẳn. Tương tự, chú Nguyễn Duy Thùy (55 tuổi, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) bị bệnh viêm gan, thoái hóa cột sống và khó ngủ hơn một năm nay. Chú đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Nghe nhiều người khuyên, chú chuyển sang điều trị bệnh bằng y học cổ truyền, từ đó bệnh giảm hẳn, ăn ngon, ngủ ngon.

Theo bác sĩ Võ Thanh Phong, phụ trách tổ y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy, bệnh đau nhức xương khớp thường gặp các dạng như: viêm khớp gout; viêm đa khớp dạng thấp; thoái hóa khớp... trong đó phổ biến là bệnh thoái hóa khớp. Tùy loại bệnh mà có biểu hiện triệu chứng và cách điều trị khác nhau.

Thoái hóa khớp là bệnh lý chủ yếu của sụn khớp và đĩa đệm cột sống nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ thành phần cấu tạo của khớp như xương dưới sụn, bao hoạt dịch, bao khớp. Bệnh thường xảy ra ở các khớp chịu lực nhiều như: cột sống thắt lưng, cổ, gối, gót… Qui luật tự nhiên, theo thời gian, khả năng sinh sản và tái tạo sụn của người đã trưởng thành giảm dần và hết hẳn. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp nên các sợi collagen và mucopolysaccharid sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn kém dần, dẫn đến tính đàn hồi và chịu lực giảm.Yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa nhanh thể hiện sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp và đĩa đệm. Một số triệu chứng để chẩn đoán thoái hóa khớp gồm triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Đối với các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau tại chỗ ít lan xa (như đau ở cổ tay, ngón tay, khớp gối, cột sống...), đau âm ỉ, đau tăng khi vận động và khi thay đổi tư thế. Các cơn đau thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó xuất hiện đợt khác khi vận động nhiều. Ngoài ra, do hạn chế vận động ở khớp bị thoái hóa nên cơ vùng tổn thương có thể bị teo. Một triệu chứng khác nữa là biến dạng khớp do các gai xương mọc thêm ở đầu xương, biến dạng cột sống với hình thức gù, vẹo, cong lõm. Đối với các triệu chứng cận lâm sàng, được biểu hiện trên phim X quang bằng hình ảnh như hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương.

Theo quan niệm y học cổ truyền, thoái hóa khớp được xếp vào chứng tý hoặc chứng tích bối thống do ba thứ tà khí: phong, hàn, thấp hoặc đơn lẻ, hoặc cùng lẫn lộn, nhân khi chính khí suy, xâm nhập vào cơ thể, gây rối loạn sự vận hành khí huyết làm cho khí huyết bế tắc, sinh bệnh. Lâu ngày làm cho can thận hư ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng cân mạch, xương tủy, ảnh hưởng đến huyết dịch gây tắc, ứ và đau. Theo phép trị của y học cổ truyền, bệnh nhân được cho dùng thuốc kết hợp châm cứu. Bên cạnh đó, bệnh nhân thực hiện xoa bóp tập luyện các khớp, chống cứng khớp, xoa bóp các chi đau giúp tăng tuần hoàn và dinh dưỡng. Tại nhà, bệnh nhân có thể phối hợp thoa cồn xoa bóp hoặc chườm nóng tại vị trí khớp đau. Đặc biệt, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống kiêng chất cay, sống, lạnh và rượu bia.

Mỗi ngày, tổ khám bệnh y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy, tiếp nhận trung bình khoảng 50 đến 60 lượt bệnh nhân, trong đó phần đông là bệnh đau nhức xương khớp. Theo bác sĩ Võ Thanh Phong, hiệu quả điều trị bệnh bằng y học cổ truyền diễn ra chậm, thường từ 10 ngày trở lên mới thấy giảm đau rõ rệt, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì điều trị. Ưu điểm của điều trị bằng y học cổ truyền là bệnh tái phát chậm và ít tác dụng phụ. Bác sĩ khuyên bệnh nhân mắc bệnh đau nhức xương khớp không nên lạm dụng thuốc, uống nhiều thuốc giảm đau cùng lúc hoặc uống thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc sẽ gây phản ứng có hại cho sức khỏe. Nên có tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết