14/05/2008 - 09:10

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Điều tiết hoạt động từ thiện chưa xứng với đóng góp của xã hội

* Cần phải xem xét giải quyết nhiều vấn đề lớn khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội

Ngày 13-5, Quốc hội đã được nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật hoạt động chữ thập đỏ và năng lượng nguyên tử của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Nhiều đại biểu Quốc hội đã bổ sung khá chi tiết tới từng điều, khoản của dự thảo nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như quyền lợi của người dân. Trong đó, có các vấn đề về cứu trợ khẩn cấp, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của người tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; vấn đề bảo đảm an ninh đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng như sức khỏe của người dân tại địa bàn xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, một số đại biểu ý kiến rằng, các hoạt động từ thiện nhân đạo tại Việt Nam đang diễn ra rộng khắp và nhiều cấp độ khác nhau, song còn thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh. Tình trạng tiếp nhận, điều tiết, phân phối tiền, tài sản, vật chất dành cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, thiếu công bằng và hiệu quả, chưa tương xứng với sự đóng góp của xã hội. Vì vậy, cần quy định một tổ chức làm đầu mối tiếp nhận sự đóng góp của nhân dân, xã hội cho hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị nên bổ sung dự thảo Luật về những cá nhân, tập thể thực hiện tốt hoạt động cứu trợ khẩn cấp và nghiêm cấm những tổ chức, cá nhân thờ ơ trong hoạt động này. Theo đại biểu này, tại điều 7 cần quy định rõ đối tượng, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thống kê lập danh sách cứu trợ nhân đạo; cần quy định rõ chính sách đối với những cán bộ hoạt động chữ thập đỏ.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về công tác chăm sóc sức khỏe trong hoạt động chữ thập đỏ. Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) cũng đề nghị khi tiếp nhận đoàn cán bộ chữa bệnh từ thiện của nước ngoài (điều 19) phải có sự phối hợp chặt chẽ với cán bộ, bác sĩ của Việt Nam trong quá trình khám và chữa bệnh tại Việt Nam.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử của UBTVQH, đại biểu Trịnh Thị Giới (Thanh Hóa) cho rằng, việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam là vấn đề khá nhạy cảm, do vậy trong dự thảo cần nêu rõ chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân sống gần khu vực này, nhất là khi sự cố xảy ra. Nhiều đại biểu cũng rất quan tâm đến tính an toàn cao và công tác đảm bảo môi trường đối với lĩnh vực này sao cho phát triển bền vững.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), dự thảo cần nêu rõ phương thức tuyên truyền sao cho người dân hiểu được tính an toàn cao cũng như lợi ích của quốc gia khi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân. Không ít người đã lo ngại đến sự hạn chế của phát triển ngành du lịch, hút khách tham quan tại địa phương - nơi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân...Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên và quy định cụ thể đối với địa phương có Nhà máy điện hạt nhân.

l Chiều 13-5, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã đọc Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình ra Quốc hội Báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội. Cả Tờ trình và Báo cáo đều khẳng định Chính phủ đã nỗ lực thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quốc hội về việc xây dựng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu: “Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước”.

Với lợi thế về vị trí địa lý, chính trị và nhiều phương diện khác, Thủ đô Hà Nội đã giữ vững và phát huy vai trò là một thành phố trung tâm quan trọng nhất của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước sự quá tải, mất cân đối lớn về nhiều mặt, từ sự gia tăng đột biến về dân số, về yêu cầu phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xã hội, vấn đề môi trường... đặt ra ngày càng gay gắt và cấp thiết. Vì vậy, mở rộng Thủ đô Hà Nội để xứng tầm với thiên niên kỷ mới vừa giải quyết các yêu cầu cấp bách, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô của Việt Nam trong tương lai...’’ mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội là đòi hỏi tất yếu khách quan’’- Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định.

Chính phủ trình Quốc hội phương án đã được lựa chọn như sau: Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội (sau khi điều chỉnh xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý); điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc vào thành phố Hà Nội; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội quản lý. Theo báo cáo số liệu mới nhất về diện tích tự nhiên và dân số của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thì: Thành phố Hà Nội mới có 334.470,02 ha diện tích tự nhiên và 6.232.940 nhân khẩu.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần phải xem xét giải quyết nhiều vấn đề lớn về bộ máy hành chính, hệ thống các cơ quan tư pháp và các vấn đề văn hóa, xã hội...mà trong dự án chưa làm rõ các phương án.

Trước đó, đầu buổi chiều cùng ngày, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản theo tinh thần điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

Ngày 14-5, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản và Dự án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG - HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết