Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 vừa khép lại, ghi dấu thành công sau những giải thưởng được trao. Nhiều người làm nghề, người quản lý cũng đặt kỳ vọng về sự phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương sau cuộc thi này.

Nghệ sĩ Võ Vũ Linh, Đoàn Cải lương Tây Đô, tham gia cuộc thi với vai Nguyễn trong trích đoạn “Tổ quốc nơi cuối con đường”, được tặng giải khắc họa nhân vật ấn tượng.
Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Cuộc thi diễn ra từ ngày 23-9 đến 30-9 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu. 60 nghệ sĩ đến từ 23 đơn vị nghệ thuật cải lương trong cả nước đã tranh tài ở 58 trích đoạn, tiểu phẩm.
Cuộc thi lần này mở rộng độ tuổi thí sinh dự thi, từ 18 đến 45 tuổi, nhưng trong số 60 thí sinh dự thi, có đến 70% thí sinh dưới 30 tuổi. Điều này cho thấy đội ngũ nghệ sĩ kế thừa khá hùng hậu. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, đời sống diễn viên thiếu thốn, thời gian tập luyện không nhiều, nhất là với các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, nhưng các nghệ sĩ đến với cuộc thi bằng cả sự háo hức, tâm huyết.
Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, đánh giá: Nhìn chung, các trích đoạn được chọn để các nghệ sĩ tranh tài trong cuộc thi đa dạng về đề tài, từ lịch sử, chiến tranh cách mạng đến dân gian, xã hội. Có trường hợp một trích đoạn nhưng được nhiều đơn vị, nghệ sĩ chọn dự thi, nhưng cách dàn dựng, xử lý khác nhau, làm nên sự thú vị cho cuộc thi. Ví dụ như vai diễn Trần Thặng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”, vai Lê Chiêu Thống trong trích đoạn “Nỗi nhục lưu vong”, vai Lê Tư Thành trong “Đêm trước giờ hoàng đạo”, vai Lão Đồ trong “Bến nước ngũ bồ”, vai Diệu trong “Thời con gái đã xa”... Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, ngoài những trích đoạn được dàn dựng tốt, vẫn còn một số trích đoạn có cách dàn dựng quá đơn giản như kiểu ca cảnh, chưa có đất diễn cho thí sinh hoặc có vài trích đoạn biên tập thêm tình tiết kéo dài, làm loãng hình tượng nhân vật chính. Có trích đoạn chỉ đơn thuần tự sự, thiếu kịch tính.
Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng, cuộc thi lần này có nhiều diễn viên sở hữu chất giọng đẹp, thanh, sắc. Nhưng tài năng của diễn viên cải lương đòi hỏi phải hài hòa giữa ca và diễn, sự kết hợp điêu luyện mang tính chuyên nghiệp cao. Đó là ca trong diễn và diễn trong ca nhuần nhuyễn, tinh tế. Diễn viên cải lương phải làm chủ nhân vật trong ca diễn, bám chắc tuyến kịch, khai thác hành động xuyên suốt và tránh chạy theo kết quả, diễn ngoại hình, thiếu nội lực. Ngoài ra, diễn viên phải biết tiết chế, làm chủ tiết tấu, tránh ồn ào, gào thét thái quá, đồng thời cần làm chủ nghệ thuật ca, tránh “đầu voi, đuôi chuột”.
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật, cho biết: Từ thực tế cuộc thi lần này, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên cải lương nói riêng, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung. Đặc biệt, cần quan tâm các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật cải lương. “Tôi mong muốn và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật cải lương tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật cải lương, nhất là các tài năng trẻ”, ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: DUY KHÔI