26/08/2009 - 08:27

Diễn biến mới trên chính trường Iraq

Lễ tuyên bố thành lập Liên minh Dân tộc Iraq hôm 24-8.
Ảnh: AFP

Ngày 24-8, các nhóm Hồi giáo Shiite chủ chốt ở Iraq đã thông báo thành lập liên minh mới mà không có sự tham gia của đảng Dawa của Thủ tướng Nuri al-Maliki. Động thái này buộc ông Maliki phải bắt tay với các đảng phái Sunni nếu muốn tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1-2010.

Việc thành lập Liên minh Dân tộc Iraq thay thế Liên minh Iraq Thống nhất là biến động lớn trên chính trường Iraq, có thể phá vỡ khối Shiite vốn lãnh đạo nước này kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003. Liên minh mới bao gồm đảng lớn nhất của người Shiite là Hội đồng Hồi giáo Iraq Tối cao (SIIC), khối của giáo sĩ chống Mỹ Muqtada al-Sadr và một số đảng nhỏ dòng Sunni và thế tục. Cựu Chủ tịch Quốc hội Ahmad Chalabi, từng một thời được Mỹ “sủng ái”, và cựu Thủ tướng Ibrahim al-Jaafari là hai nhân vật “cộm cán” trong liên minh mới. Phó Tổng thống Adel Abdul-Mahdi, thành viên cấp cao của SIIC, cho biết liên minh sẽ tiếp tục mở rộng và có thể mời thêm các chính đảng khác tham gia.

Hassan al-Sineid, cố vấn của ông Maliki, cho biết thủ tướng và các nhà lãnh đạo Liên minh Dân tộc Iraq bất đồng về cơ chế tham gia cũng như qui mô của liên minh này. Thủ tướng Maliki muốn thành lập một liên minh dân tộc rộng rãi nhằm chấm dứt nền chính trị giáo phái. Đảng Dawa không tham gia liên minh mới còn bởi vì các nhà lãnh đạo liên minh này không đảm bảo rằng ông Maliki vẫn sẽ là thủ tướng nếu họ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Bị cô lập trong nội bộ Shiite là bước lùi tiếp theo đối với Thủ tướng Maliki sau thất bại trong việc khẳng định mình là người đảm bảo an ninh tốt nhất cho Iraq. Ngày 24-8 lại xảy ra 2 vụ đánh bom xe buýt ở thành phố Kut làm 11 người chết và 19 người bị thương. Trước đó, cả Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Iraq đã bị đánh bom hôm 19-8 làm hơn 100 người chết và khoảng 1.200 người bị thương. Những sự việc trên làm ông Maliki từ chính khách có ảnh hưởng nhất ở Iraq, trở thành nhân vật chia rẽ và chính phủ của ông bị chỉ trích là tự mãn và kém cõi.

Việc thành lập Liên minh Dân tộc Iraq không đe dọa ngay lập tức chiếc ghế của Thủ tướng Maliki, nhưng báo hiệu một “cơn bão” chính trị trong chiến dịch bầu cử sắp tới và xa hơn là khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq. Vấn đề nằm ở chỗ cả hai khối lớn trong liên minh mới đều thân Iran. SIIC được thành lập ở Iran đầu thập niên 1980 với sự hỗ trợ của các giáo sĩ cầm quyền Iran và từng sát cánh cùng Tehran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988. Còn Giáo sĩ Sadr từng sống ở Iran và nghiên cứu cùng các giáo sĩ chủ chốt của Tehran. Do vậy, nếu Liên minh Dân tộc Iraq giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đầu năm tới, Iran có thể tăng cường ảnh hưởng ở Iraq, và điều này càng làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa người Shiite và người Sunni.

N. KIỆT
(Theo AP, WSJ, AFP, CNN)

Lễ tuyên bố thành lập Liên minh Dân tộc Iraq hôm 24-8. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết